Về trang chủ Thời sự Trong nước Bàn giải pháp phát triển kinh tế – xã hội hậu dịch Covid-19

Bàn giải pháp phát triển kinh tế – xã hội hậu dịch Covid-19

Sáng 2-7, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương đã khai mạc.

Tham dự tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn;
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; các Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng: Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương…
Thủ tướng chủ trì Hội nghị Chính phủ với các địa phương.
Dự hội nghị tại điểm cầu thành phố Hà Nội có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung;
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội – Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố: Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Doãn Toản; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành.

Tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, không để đổ gãy nền kinh tế
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh 6 tháng đầu năm nay xảy ra đại dịch Covid-19, gây ra sự sụt giảm kinh tế toàn cầu trên quy mô lớn nhất trong 150 năm qua. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế toàn cầu sẽ sụt giảm 5,2% trong năm nay.
Diễn ra trong một ngày, Chính phủ và các địa phương sẽ thảo luận các kịch bản, các giải pháp để thực hiện “mục tiêu kép” trong nửa chặng đường còn lại của năm 2020, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, không để đổ gãy nền kinh tế.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, 6 tháng đầu năm 2020, các bộ, ngành, cơ quan đã phối hợp chặt chẽ, điều hành khá ăn ý, nhịp nhàng, chấp hành nghiêm những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để sử dụng các biện pháp, công cụ liên quan, cả vi mô và vĩ mô.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân giảm dần từ mức cao là 6,54% về mức 4,19% trong 6 tháng đầu năm. Từ đó, có thể nhận định, khả năng kiểm soát lạm phát dưới 4% như mục tiêu đề ra là khả thi.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bên cạnh các điểm sáng tích cực, nền kinh tế cũng bộc lộ những điểm yếu, như: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tính chung 6 tháng giảm 0,8% so với cùng kỳ 2019, khách quốc tế đến Việt Nam giảm sâu. Tính chung 6 tháng, cả nước có 62 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 7,3% về số doanh nghiệp, 19% về vốn đăng ký so với cùng kỳ. 
Từ thực tế đó, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương đưa ra các giải pháp ngắn gọn, dễ hiểu, dễ vận dụng để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. “Không chỉ phòng thủ dịch bệnh, mà phải tiến công để phát triển”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống suy thoái kinh tế sau đại dịch Covid-19
Trong chương trình làm việc, hội nghị đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2020; tình hình thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.
Sáu tháng đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã gây ra sự sụt giảm kinh tế toàn cầu trên quy mô lớn nhất trong 150 năm qua. Là một nước hội nhập quốc tế sâu rộng, kinh tế Việt Nam cũng chịu nhiều tác động với tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm tăng 1,81%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua đối với nước ta, nhưng so với khu vực và thế giới, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng dương.
Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên thoát ra khỏi dịch Covid-19, thiết lập trạng thái bình thường mới. “Với chủ trương chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân thì mức tăng trưởng này cũng là khả quan”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, với đà phát triển hiện nay, cân đối thu – chi ngân sách nhà nước vẫn được bảo đảm nhưng ở mức thấp do tác động của dịch bệnh và các chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế về giảm, giãn, hoãn một số khoản thu. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước bằng 43,9% dự toán năm, giảm 11,1% so với cùng kỳ; tổng chi cân đối ngân sách nhà nước bằng 41,8% dự toán năm, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Để kích thích tăng trưởng, phục hồi nhanh và thúc đẩy phát triển kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cần có những hành động nhanh, mạnh mẽ hơn. Nhiệm vụ trước hết là các cấp, các ngành cần nhận thức đúng mức độ nghiêm trọng và khẩn cấp của tình hình kinh tế – xã hội hiện nay, tuyệt đối không chủ quan, xác định nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế với phương châm “chống suy thoái kinh tế như chống giặc”.
Bên cạnh đó, tận dụng tối đa thời cơ và cơ hội để tạo động lực mới cho phát triển, nhất là sự đoàn kết, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân với tâm thế mới; vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế sau khi kiểm soát thành công dịch Covid-19;
Phát huy tối đa các lợi thế để đón nhận hiệu quả sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế phục vụ phát triển đất nước; mở rộng không gian phát triển, tìm kiếm thêm động lực mới cho tăng trưởng kinh tế; đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, sắp xếp, tổ chức lại và phục hồi, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị nghiên cứu, đề xuất Chính phủ trình Ban Bí thư thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống suy thoái kinh tế sau đại dịch Covid-19, do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, thành viên là đại diện từ các cơ quan trong hệ thống chính trị để quyết tâm sớm triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ và phục hồi tăng trưởng cho nền kinh tế.
Khẩn trương tổ chức các đoàn công tác của Chính phủ, đoàn công tác liên ngành và của từng bộ, ngành kiểm tra, làm việc cụ thể với các vùng, địa phương lớn để trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, giải quyết các vấn đề hỗ trợ tăng trưởng…
Tiếp đó, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có các tham luận, trong đó đánh giá cao công tác điều hành của Chính phủ trong 6 tháng đầu năm, đồng thời đưa ra các giải pháp, đề xuất với Chính phủ để đạt chỉ tiêu tăng trưởng ở mức cao nhất.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, 6 tháng cuối năm, để khắc phục tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến cân đối ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện tốt 5 giải pháp quan trọng.
Trong đó, tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp về tài khóa, tiền tệ đã ban hành; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, thu hút và chủ động tiếp nhận các dòng vốn đầu tư nước ngoài, phục hồi tăng trưởng kinh tế.
“Trong trường hợp sau khi đã sử dụng tất cả các giải pháp và nguồn lực trên mà cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh các chỉ tiêu về ngân sách nhà nước tại kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu rõ.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, triển khai gói an sinh xã hội của Chính phủ nhằm hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, 6 tháng đầu năm 2020, các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc rất quyết liệt.
Đến nay, cơ bản các đối tượng thuộc diện được thụ hưởng chính sách hỗ trợ đã nhận tiền hỗ trợ, nhất là nhóm đối tượng nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người thất nghiệp… Kết quả đã đạt được cho thấy, gói an sinh xã hội của Chính phủ đã và đang thực sự phát huy tác dụng, đưa tiền hỗ trợ tới đúng đối tượng thụ hưởng…
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, 6 tháng đầu năm 2020, thành phố Hà Nội đã hoàn thành dứt điểm 63/75 nhiệm vụ (đạt 84%), còn 12/75 nhiệm vụ đang trong hạn thực hiện.
Đáng lưu ý, công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn được triển khai thống nhất, đồng bộ, đúng theo chỉ đạo của Trung ương. Toàn thành phố đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của dịch Covid-19, sớm thiết lập “trạng thái bình thường mới”.
Về nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2020, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm 2020. Trong đó, tổ chức tốt đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng;
Triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội… Cùng với đó, Hà Nội sẽ tập trung thực hiện các giải pháp thu ngân sách bền vững; cắt giảm thêm 5% chi thường xuyên; tập trung tái đàn lợn…
Đồng chí Nguyễn Đức Chung đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ để phát triển kinh tế – xã hội hậu dịch Covid-19 giống như Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, giúp các địa phương định hướng phát triển có hiệu quả hơn.
Theo hanoimoi

G-Chip: Cơ hội cho nhà đầu tư nhỏ tham gia hệ sinh thái Google toàn cầu


https://totimes.net/de-xuat-thanh-lap-ban-chi-dao-cua-chinh-phu-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-hau-covid/

Có thể bạn quan tâm