Về trang chủ Bất động sản Hạ tầng-Quy hoạch Bất động sản công nghiệp trước làn sóng dịch chuyển FDI: Tổ nhỏ, xây chậm… ôm giấc mộng lớn

Bất động sản công nghiệp trước làn sóng dịch chuyển FDI: Tổ nhỏ, xây chậm… ôm giấc mộng lớn

Để đón những nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài-FDI hàng đầu –những đại bàng, trong làn sóng dịch chuyển đầu tư hậu COVID-19 đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) là một trong những điều kiện quan trọng. Hệ thống KCN đã và sẽ hình thành đang có diện mạo thế nào, có đủ hấp dẫn các nhà đầu tư?

Cơ hội hiện bày
COVID-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, đặt các tập đoàn đa quốc gia trước những thách thức phải thay đổi. Một làn sóng dịch chuyển đầu tư FDI trên thế giới đang hình thành, là cơ hội cho nhiều quốc gia tiếp nhận, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Từ đó mang đến nhiều cơ hội cho thị trường bất động sản công nghiệp, nhà ở và logistics.

Chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới đã chủ động xây dựng kế hoạch dịch chuyển, sắp xếp lại các doanh nghiệp (DN) FDI của họ sau cú sốc lớn do COVID-19 gây ra. Nhật Bản đã quyết định chi 2,2 tỷ USD để hỗ trợ các DN FDI chuyển và mở rộng sản xuất về nước hoặc sang nước thứ ba. Tổng thống Mỹ Donal Trump tuyên bố đẩy mạnh kế hoạch di chuyển chuỗi cung ứng và sản xuất khỏi Trung Quốc về Mỹ và sang một số nước.

Chú thích ảnh: Để có thể mở rộng diện tích của KCN hiện có, bổ sung KCN mới vào quy hoạch thì phải mất nhiều năm…. Nếu Việt Nam không thay đổi sẽ mất cơ hội đón đại bàng.

Mới đây, Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) thông tin: Kết quả tuyển chọn lần thứ nhất 30 doanh nghiệp đăng ký nguyện vọng được dịch chuyển mở rộng sang các nước ASEAN, có 15 doanh nghiệp đăng ký đầu tư sang Việt Nam, cho thấy Việt Nam đang rất được quan tâm. Đây là tín hiệu đáng mừng, khẳng định nỗ lực thu hút FDI của Việt Nam trong thời gian qua. Đặc biệt, việc kiểm soát tốt dịch COVID-19 đang mở ra cơ hội vàng cho Việt Nam đón nhận dòng vốn này.

Ông Đặng Văn Quang -Giám đốc Jll Việt Nam, cho hay: Việt Nam cùng với Malaysia và Indonesia ở khu vực Đông Nam Á, và Mexico ở châu Mỹ rất may mắn nằm trong xu hướng dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc của Mỹ. Chính phủ Nhật Bản, chính phủ Mỹ yêu cầu các công ty sớm rời nhà máy tại Trung Quốc về nước hoặc sang nước thứ ba. Nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng đang có những động thái tương tự.

Tổ nhỏ, xây chậm… ôm giấc mộng lớn
Ông Phạm Minh Phương -Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ban quản lý các KCN-khu kinh tế, Trưởng ban quản lý các KCN tỉnh Hải Dương, cho rằng: Để đón được đại bàng, cần nhiều đất sạch, nhiều KCN quy mô lớn, nhưng hiện nay quy mô của nhiều KCN còn nhỏ. Để có thể mở rộng diện tích của KCN hiện có, bổ sung KCN mới vào quy hoạch thì phải qua một hành trình thủ tục vòng đi vòng lại với 3 lần trình Thủ tướng, 4 lần lấy ý kiến các bộ, ngành. Chu trình này kéo dài tính bằng năm.

Từ góc độ là một chủ đầu tư của 12 KCN, ông Nguyễn Thế Chinh -Giám đốc Ban bất động sản của Viglacera, than thở: Với chu trình thủ tục 3 vòng trình Thủ tướng, 4 lần qua các bộ thì nhanh nhất cũng là 2 năm. Từ khi nhìn thấy cơ hội đến khi được phê duyệt đã mất 2 năm. Trong 2 năm đó, biết bao cơ hội có thể vuột mất.

Ô.Đặng Văn Quang -Giám đốc Jll Việt Nam, nhìn nhận bi quan hơn: Thông tin thủ tục đầu tư trung bình một dự án mất 3 năm là nhận định lạc quan, còn thực tế có khi phải mất 4-5 năm. Các dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng phải mất 2-3 năm. Sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế là có, tuy nhiên gặp những rào cản từ luật, người thực thi luật và các văn bản dưới luật.

Theo ông Chinh, để sẵn sàng đón các nhà đầu tư lớn, để dòng đầu tư chảy tới và đọng lại, cần làm sao tích hợp các thủ tục nhằm giảm bớt chu trình xin các bộ, trình Thủ tướng. Thêm nữa, cần quan tâm đến các chính sách, đối với các nhà đầu tư phải chọn được các doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính, giải quyết được vấn đề giải phóng mặt bằng, từ đó mới có thể tận dụng được triệt để những cơ hội đang tới.

Bên cạnh đó, quỹ đất cho phát triển KCN của Việt Nam cũng rất hạn hẹp, muốn mở rộng các KCN cũng gặp các rào cản. Ví dụ như có khu công nghiệp ở Bắc Ninh phải mất 10 năm mới hoàn thành thủ tục hạ tầng để cho thuê được. Quỹ đất cho phát triển KCN đã hạn chế, quỹ đất có hạ tầng giao thông tốt lại càng hiếm hơn. Ở Việt Nam, việc đầu tư cho hạ tầng giao thông còn thấp nên quỹ đất cho KCN còn hạn chế.

Ai đang trải thảm
Ô.Đặng Văn Quang lưu ý: Nếu Việt Nam không nhanh sẽ mất cơ hội như Thủ tướng đã nói “dọn tổ cho đại bàng”, không nhanh thì đại bàng sẽ bay mất. Không nhất thiết phải chờ đợi những doanh nghiệp hàng đầu, hãy đón những doanh nghiệp phù hợp với mình. Nói tóm lại, hãy liệu cơm gắp mắm.

Theo ông Quang, Việt Nam có rất nhiều cơ hội trong phân khúc BĐS công nghiệp, tuy nhiên cũng nhìn thấy sự khó khăn của nhà đầu tư trong thủ tục đầu tư. Điều này khác hoàn toàn Ấn Độ, Indonesia… Nếu Việt Nam không thay đổi sẽ mất cơ hội đón đại bàng.

Trong khu vực ASEAN, không chỉ có Việt Nam, nhiều quốc gia như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Myanmar, đặc biệt là Indonesia với lợi thế dân số gấp 3 lần Việt Nam, GDP trên 1.000 tỷ USD, hiện thu hút FDI cao hơn Việt Nam cũng đang tung ra nhiều chính sách ưu đãi.

Rất nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển là những đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ trong thu hút dòng FDI dịch chuyển này. Ấn Độ, quốc gia 1,3 tỷ dân, quy mô nền kinh tế vượt trội, trình độ lao động và hệ thống đào tạo kỹ sư tiên tiến đang có tham vọng thu hút hàng nghìn công ty lớn trong quá trình dịch chuyển FDI. Chính phủ Ấn Độ đã chi khoảng 30 tỷ USD để hỗ trợ các DN chuyển về nước này.

Trong khi đó, nước có nguy cơ nhiều nhà máy FDI rời đi sẽ tìm mọi cách để giữ chân nhà đầu tư như thay đổi chính sách theo hướng tạo thuận lợi, mở rộng ưu đãi nhà đầu tư. Trung Quốc là công xưởng lớn nhất thế giới, nơi sẽ có làn sóng dịch chuyển FDI rời đi, song với dân số hơn 1,4 tỷ người, với lực lượng lao động chất lượng và hùng hậu, quy mô nền kinh tế và thị trường vào loại bậc nhất thế giới, với những chính sách để giữ chân nhà đầu tư, sẽ là lực cản lớn trong làn sóng di dời FDI.

Làm gì để thay đổi?
Trong phiên họp do Thủ tướng Chính phủ chủ trì hồi trung tuần tháng 5/2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Báo cáo tình hình, triển vọng và giải pháp thu hút FDI. Về giải pháp trung và dài hạn, cần xây dựng chiến lược cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh và lộ trình thực hiện, đảm bảo công khai, minh bạch, thủ tục hành chính cần được tiếp tục đơn giản hóa, thuận tiện, hiệu quả.

Trước mắt, Chính phủ cần xây dựng chính sách riêng thu hút dịch chuyển FDI. Trong đó, cần nêu rõ lĩnh vực ưu tiên, địa phương ưu tiên gắn với quy hoạch tổng thể, tránh cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương. Rà soát để chuẩn bị đầy đủ mặt bằng sạch trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao hiện có và xây dựng mới với đầy đủ hạ tầng kỹ thuật.

Đặc biệt, cần xây dựng các thủ tục rút gọn đối với các nhà máy FDI dịch chuyển so với các dự án mới để tiết kiệm thời gian, giảm chi phí cho DN. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện chiến lược, hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế số, mô hình kinh doanh mới gắn với công nghệ số. Đơn giản hóa các thủ tục lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm giảm thiểu chi phí logistics.

Bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Dương Minh Tuấn –ĐBQH Đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu, nêu ý kiến: Sau dịch COVID-19, Việt Nam cũng như một số nước có thể sẽ tiếp nhận rất nhiều làn sóng đầu tư FDI từ một số nước. Bên cạnh sự nỗ lực của từng địa phương, Chính phủ cũng rất cố gắng để tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài qua cải cách thủ tục hành chính nhanh nhất, gọn nhất có thể. Giải pháp quan trọng nhất để thu hút đầu tư vẫn là cải cách thủ tục hành chính. Cần tạo hành lang thông thoáng cho các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp ngày càng chủ động hơn và nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Phạm Phù Cát-Theo TCV

Tài chính số: Cơ hội vượt qua đại dịch và hội nhập quốc tế

HUA Exchange: Hơn 1 triệu người tại 200 quốc gia-vùng lãnh thổ đăng ký

Có thể bạn quan tâm