Về trang chủ Thời sự Tai nạn-Phạm pháp Ca bệnh thứ 34: ​Ca siêu lây nhiễm Đặng Thị Lynh Trang khai báo gian dối như thế nào

Ca bệnh thứ 34: ​Ca siêu lây nhiễm Đặng Thị Lynh Trang khai báo gian dối như thế nào

​Bà Đặng Thị Lynh Trang, 51 tuổi, khai chỉ tiếp xúc với 17 người, nhưng thực tế vẫn còn thiếu, gây khó cho việc ngăn chặn dịch bệnh.
Khai báo gian dối
Theo VNE, sau chuyến đi Mỹ trở về, bà Đặng Thị Lynh Trang -Giám đốc Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Minh Trang, dương tính nCoV vào ngày 10/3, trở thành “bệnh nhân 34”. Đến nay, 10 người bị lây nhiễm từ nguồn bệnh của nữ doanh nhân.
Thông báo ngày 10/3 của UBND Bình Thuận cho biết, khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất, bà Trang đi ôtô riêng về thẳng nhà và không ghé đâu. Trong 7 ngày từ khi về nước đến lúc nhập viện hôm 9/3, nữ doanh nhân ở nhà, rất ít ra công ty. Bà chỉ tiếp xúc với người nhà và nhân viên bán hàng tại công ty.
Hai tuyến phố Ngô Sĩ Liên và Hoàng Văn Thụ, TP Phan Thiết bị cách ly do có 4 người nhiễm nCoV từ “bệnh nhân 34”.
Ban đầu, bà Trang khai với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận chỉ tiếp xúc với 17 người, gồm: chồng, hai con trai, con dâu, cháu ngoại, mẹ ruột, cô ruột, người giúp việc, tài xế, kế toán, 5 nhân viên bán hàng, hai nữ doanh nhân Bình Thuận (đi cùng chuyến bay QR974 ). Sau đó, bà khai lại, lên 21 người.
Hai hôm trước, công ty thiết bị vệ sinh tại TP HCM thông báo cho tạm đóng cửa văn phòng và showroom vì 4 nhân viên gặp trực tiếp bà Trang tại Phan Thiết, hôm 3/3.
Một lãnh đạo Sở Y tế Bình Thuận chia sẻ trên báo Tuổi Trẻ rằng bệnh nhân 34 đã không khai báo đầy đủ lịch trình và những người từng tiếp xúc với mình trong thời gian ủ bệnh. Việc này gây ra rất nhiều khó khăn cho địa phương.
“Đến giờ vẫn không hiểu vì sao bệnh nhân lại khai như thế. Bây giờ công tác điều trị và xác định các trường hợp lây nhiễm là ưu tiên hàng đầu. Còn xử lý như thế nào sau này các cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ”, vị lãnh đạo này nói thêm.
Cũng theo vị lãnh đạo trên, số F1 với bệnh nhân trên liên tục tăng là do một số trường hợp chủ động đến khai báo cũng như qua điều tra dịch tễ phát hiện thêm.
Đơn cử như việc bệnh nhân khai rằng khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất là di chuyển thẳng về nhà riêng, tuy nhiên sau này mới phát hiện bệnh nhân từng ở lại TP.HCM để giao lưu với đối tác.
Khi về đến TP Phan Thiết, ngoài nhà riêng và công ty, bệnh nhân còn di chuyển đến nhiều nơi ăn uống. Tổ phản ứng nhanh của ban chỉ đạo phải căng mình đi phun thuốc khử trùng mỗi khi cập nhật thêm thông tin địa điểm mà bệnh nhân di chuyển ở địa phương.
Ban chỉ đạo Covid-19 ở Bình Thuận liên tục kêu gọi những trường hợp từng tiếp xúc với bệnh nhân 34 đến khai báo y tế, cũng như thông tin thêm lịch trình, địa điểm di chuyển.
Những người tiếp xúc với bà Trang tự đến cơ quan y tế khai báo, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Đến nay, hai nhân viên đã dương tính nCoV, đang điều trị tại TP HCM. Ngành y tế Bình Thuận hoàn toàn bất ngờ về thông tin này.
Thiếu hợp tác, cơ quan chức năng sẽ có giải pháp mạnh
Bác sĩ Lê Văn Hồng, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Thuận cho biết, ban đầu bà Trang thiếu sự hợp tác, nên khó xác định được danh sách F1. Đến chiều 14/3, qua nhiều lần lấy lời khai y tế, tỉnh Bình Thuận đã xác định thêm một số trường hợp khác, tổng cộng đã có 31 người từng tiếp xúc gần với bà này và 100 người thuộc diện F2.
Phun thuốc khử khuẩn tại khu vực cách ly trên đường Ngô Sĩ Liên, TP Phan Thiết, sáng 14/3.
Ông Hồng cho biết nhóm 4 nhân viên công ty thiết bị vệ sinh ra Bình Thuận tiếp xúc với bà Trang chưa được tính vào 31 người F1 trên. Ngoài ra, một số người khác cũng đã tiếp xúc với bà vào sáng 2/3 tại TP HCM, tuy nhiên ông Hồng nói chưa rõ những người đó là ai.
“Để tránh bỏ lọt F1, kiểm soát tốt hơn nguồn bệnh, tới đây chúng tôi buộc phải phối hợp với Công an tỉnh để truy tìm thêm trường hợp có khả năng đã tiếp xúc với bà ấy”, bác sĩ Hồng cho biết.
Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận xác nhận việc bà Trang đã khai không đủ những người đã tiếp xúc gần. Sau hai ca dương tính nCoV ở TP HCM do đã tiếp xúc với bà Trang, ông Hai cho hay tiếp tục truy tìm các trường hợp nghi ngờ mà không có trong danh sách. “Chúng tôi sẽ có biện pháp mạnh, nếu bà Trang không hợp tác”, ông Hai cho biết.
Lãnh đạo Công an tỉnh Bình Thuận cũng cho biết đang hỗ trợ ngành y tế tìm các trường hợp có khả năng là F1 đã tiếp xúc với bà Trang, chưa khai báo, nhằm sớm ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Cụm liên quan “bệnh nhân 34”.
Chiều 14/3, bác sĩ Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận cho biết, sức khỏe của “bệnh nhân 34” hiện đã ổn định, không còn ho, không còn sốt, sinh hoạt bình thường, không cần phải dùng các biện pháp can thiệp như máy thở.
Tuy nhiên, bệnh nhân hơi có tâm lý lo lắng về sức khỏe của mình. Bệnh viện đang tiếp tục điều trị theo hướng dẫn trực tiếp của Bệnh viện Chợ Rẫy và Bộ Y tế.
Ngày 22/2, bà Trang cùng 18 nữ doanh nhân Việt Nam đi Mỹ. Trên hành trình đến Mỹ, đoàn quá cảnh tại sân bay Incheon (Hàn Quốc) 3 giờ. Bà Trang đến New York, rồi qua Washington D.C tham quan, du lịch.
Một tuần sau, bà Trang từ Washington D.C trở về, quá cảnh tại sân bay Doha (Qatar) ba giờ, sau đó nhập cảnh Tân Sơn Nhất (TP HCM) vào sáng 2/3, rồi tách đoàn, đi ôtô riêng về lại Phan Thiết.
Nạn nhân của ca siêu lây nhiễm 34
BN số 36: là nữ, 64 tuổi, quê Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, giúp việc cho BN34.
BN số 37: là nữ, 37 tuổi, quê quán huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, là nhân viên của BN34
BN số 38: là nữ, 28 tuổi, quê quán thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, là con dâu của BN34.
BN số 40: là nữ, 02 tuổi, quê quán thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận có tiếp xúc gần với BN34
BN số 41: là nam, 59 tuổi, quê quán thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận có tiếp xúc gần với BN34
BN số 42: là nam, 28 tuổi, quê quán thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận tiếp xúc gần với BN 34
BN 43: là nữ, 47 tuổi, tiếp xúc gần với bệnh nhân số 38 là con dâu của BN34.
BN 44: là bé trai 13 tuổi, con trai của BN37, trú tại huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận. BN37 là nhân viên, tiếp xúc gần với BN34.
BN 45 là nam, sống tại phường 7, quận Tân Bình, TP.HCM. Bệnh nhân này từng đi ăn tối và làm việc với vợ chồng BN34.
BN 48: là nam, 31 tuổi, trú quán tại phường 14, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh. BN này ngồi chung xe ô tô với BN 45 và cùng đi tiếp xúc với BN 34.
Tính đến sáng 14/3, số trường hợp tiếp xúc gần (F1) với 9 bệnh nhân Covid-19 ở Bình Thuận là 128 người.
Riêng trường hợp F2 (tiếp xúc với F1) là 651. Một lãnh đạo Sở Y tế Bình Thuận nhận định con số không dừng lại ở đó, địa phương vẫn đang tiếp tục xác minh thêm.
Điều đáng chú ý, tất cả trường hợp trên đều bắt nguồn từ bệnh nhân “siêu lây nhiễm” thứ 34.
Không chỉ riêng Bình Thuận, nhiều địa phương khác cũng có trường hợp liên quan đến bệnh nhân này. Trong đó, bệnh nhân 45 và bệnh nhân 48 ở TP.HCM là điển hình.
Đối với số ca F1 từ bệnh nhân 34, số liệu cập nhật đến sáng 14/3 là 31 và F2 là 100.
Ngọc Chămpa

Từ ca bệnh thứ 17: Giá thuê chuyến bay đưa bệnh nhân thứ 32 về VN khoảng 8,3 tỷ đồng


https://totimes.net/tu-ca-benh-thu-17-nga-nguyen-len-tieng-phan-tran-tren-new-york-times/

Có thể bạn quan tâm