Dịch Covid-19 đã tạo ra thách thức lớn với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê, có tới gần 86% DN Việt Nam đang phải chịu tác động tiêu cực từ đại dịch, hơn 200.000 DN sẽ phá sản nếu dịch kéo dài đến hết quý III/2020.
Lúc này, một vấn đề được đặt ra: Chuyển đổi số (digital transformation-CĐS) là chiếc chìa khóa để tồn tại. Vậy CĐS là gì và việc thực hiện sẽ như thế nào?
Chuyển đổi số là gì?
Theo khảo sát năm 2018 của IDC, CĐS đang trở thành chiến lược tại các doanh nghiệp, tổ chức trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo Gartner, CĐS là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới. Microsoft cho rằng CĐS là việc tư duy lại cách thức các tổ chức tập hợp mọi người, dữ liệu và quy trình để tạo ra những giá trị mới.
Còn theo FPT, CĐS là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang DN số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)…; Thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty. CĐS mang lại nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời.
Ông Phương Trầm -Tư vấn trưởng CĐS của FPT, cho rằng: CĐS là vận dụng công nghệ cùng với sự điều hành công việc kinh doanh để thực hiện khác đi, để kinh doanh hiệu quả hơn, nhanh hơn và chuyển hoá nó trong một ngày trong khi trước kia mất ba tháng, hoặc chỉ cần dùng vài chục con người thay vì cả nghìn người. Thay vì làm những công việc thường lệ, DN có thể làm những công việc có giá trị cao hơn.
Theo nghiên cứu từ năm 2017 của Microsoft tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tác động mà CĐS mang lại cho GDP năm 2017 là khoảng 6%, năm 2019 được cho là 25%, và tới năm 2021 là 60%. CĐS cũng làm tăng năng suất lao động 15% trong năm 2017, dự kiến 2020 là 21%, 85% công việc trong khu vực sẽ bị biến đổi trong 3 năm tiếp theo. Công ty nghiên cứu McKensey chỉ ra rằng, vào năm 2025, mức độ tác động của CĐS tới GDP của nước Mỹ là khoảng 25%, còn ở các nước châu Âu là khoảng 36%.
Việt Nam đang ở đâu trên hành trình chuyển đổi số?
Tại Việt Nam, quá trình CĐS đã bắt đầu diễn ra, nhất là trong những ngành như tài chính, giao thông, du lịch… Chính phủ và chính quyền các cấp đang nỗ lực xây dựng Chính phủ điện tử để hướng tới Chính phủ số. Hơn 30 thành phố trong cả nước cũng đang ấp ủ các dự án xây dựng Smart City với nền tảng công nghệ mới.
Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết, Thành phố đang triển khai nhóm nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế số gồm: Nhóm nhiệm vụ chung cho các DN (bao gồm phổ biến kiến thức về CĐS, hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy CĐS tại các DN); Sứ mệnh của các DN CNTT-TT trong quá trình CĐS của Thành phố, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và triển khai chính quyền số phục vụ phát triển kinh tế số.
Về phía DN, FPT cho biết đã triển khai việc chuyển đổi số cho chính FPT với gần 36.000 con người và cam kết đạt kết quả trong vòng 12 tháng. Tuy nhiên theo các chuyên gia, đa số các DN Việt Nam nói chung, nhất là DN vừa và nhỏ, vẫn chưa nhận thức đúng vai trò của CĐS trong cuộc các mạng công nghiệp lần thứ tư.
Theo VCCI, hiện DN vừa và nhỏ của Việt Nam chiếm khoảng 97% tổng số DN, trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp, có 80% đến 90% máy móc sử dụng trong các DN Việt Nam là nhập khẩu, gần 80% là những công nghệ cũ từ thập niên 1980-1990.
Báo cáo “Chỉ số phát triển kỹ thuật số của DN vừa và nhỏ khu vực châu Á-Thái Bình Dương” của Cissco (thực hiện trên 1.340 DN tại khu vực, trong đó có 50 DN Việt Nam) cho thấy: Các DN vừa và nhỏ Việt Nam đang đối mặt với những rào cản trong quá trình CĐS như thiếu kỹ năng số và nhân lực (17%), thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép CĐS (16,7%), thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong DN (15,7%)….
Báo cáo nêu trên cũng chỉ ra rằng các DN vừa và nhỏ Việt Nam đang bước đầu đầu tư vào công nghệ đám mây (18%), an ninh mạng (12,7%), nâng cấp phần mềm, phần cứng để CĐS (10,7%).
Doanh nghiệp chuyển mình và rào cản cần vượt qua
Thời gian qua, cũng có một số DN Việt đã bắt đầu nhập cuộc với CĐS. Chia sẻ về CĐS tại DN mình, ông Vũ Thanh Long -CEO của eDoctor, cho biết: “CĐS vừa là động cơ vừa là phương tiện để DN đổi mới, tìm kiếm những bước phát triển mới thông qua việc thay đổi từ quy trình đến mô hình kinh doanh, đồng thời đem đến cho khách hàng sự trải nghiệm mới trong đó các tương tác được số hóa là công cụ xuyên suốt của quá trình cung cấp dịch vụ”.
Ông Trần Viết Quân -Founder của Tanca.io, thông tin: ” Tanca.io đã xây dựng nhóm phần mềm quản lý công việc, đẩy mạnh trí tuệ nhân tạo để ứng dụng trong nhiều hoạt động về quản lý nhân sự… giúp các DN vừa và nhỏ tự động hóa nghiệp vụ quản lý nhân sự, số hóa toàn bộ DN và hỗ trợ đánh giá, tăng cường hiệu suất làm việc của nhân viên. Sắp tới, sẽ ứng dụng các công nghệ cao hơn trong phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo để giúp DN thấu hiểu được nhân viên, tối ưu hóa hiệu suất”.
Nhiều DN với quy mô vừa và nhỏ còn đang rất mơ hồ về khái niệm CĐS hoặc thiếu kinh nghiệm trong việc quản trị, thiếu kiến thức chuyên môn, thiếu đầu tư kỹ lưỡng cho việc chuyển đổi. Bên cạnh đó, các chiến lược cần thiết được vạch ra cho công cuộc CĐS vẫn đang trong tình trạng còn nhiều thiếu sót chưa thể hoàn thiện và đưa vào áp dụng. Vì vậy nhiều chuyên gia, DN cho biết rất cần các bệ đỡ từ sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, Chính phủ.
Nói về những khó khăn khi CĐS, Ô.Vũ Thanh Long cho biết: Trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe, điều chúng tôi luôn theo dõi sát và chờ đợi nhiều nhất là các chính sách và hướng dẫn cần thiết để đảm bảo rằng, các hình thức cung cấp dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe qua các phương thức số hóa được thúc đẩy và ngày càng trở nên phổ biến. Qua đó, eDoctor cũng được tham gia sâu hơn, thể hiện vai trò rõ ràng hơn và phục vụ một cách thiết thực cho việc cải thiện sức khỏe của người dân Việt Nam.
Ô.Nguyễn Trọng Tấn -CEO Chợ Tốt, nêu lên những trở ngại mà Chợ Tốt gặp phải trong quá trình CĐS: Cơ sở hạ tầng, cơ sở dữ liệu mở… cho CĐS tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Các hệ thống thông tin của nhiều bộ, ngành, địa phương hầu hết chưa sẵn sàng để kết nối, khai thác và chia sẻ. Để phát triển hạ tầng dữ liệu, cơ sở dữ liệu quốc gia cần được hoàn thiện, các cổng thông tin, nền tảng được mở rộng để tạo bệ phóng cho việc CĐS. Ngoài ra, cơ sở pháp lý hiện tại chưa sẵn sàng hoặc chưa đủ rõ ràng, khiến cho DN trong nhiều tình huống buộc phải chờ đợi, bỏ lỡ cơ hội phát triển.
Về phía Bộ Thông tin và Truyền thông, Ô.Nguyễn Huy Dũng -Cục trưởng Cục Tin học hóa, cho biết: “Mắt xích quan trọng trong chương trình CĐS là giới thiệu và phát triển các nền tảng số Make in Vietnam. Bộ Thông tin và Truyền thông đã cho ra mắt nền tảng điện toán đám mây nguồn mở riêng của Việt Nam, lập trình cho giao tiếp Stringee cho phép DN giao tiếp với khách hàng trên chính các ứng dụng mobile/website sẵn có mà không cần phải sử dụng các ứng dụng thứ ba. Hoặc để hỗ trợ thanh toán chi phí làm dịch vụ công trực tuyến, Bộ cũng đã công bố Cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia PayGov….
Phạm Phù Cát -Theo TCV
Đất Xanh-DXG: Lợi nhuận giảm 526 tỷ sau soát xét báo cáo tài chính, từ lãi chuyển sang lỗ nặng
Đức Long Gia Lai: Khách hàng mua căn hộ Đức Long Western Park đồng loạt khởi kiện