Về trang chủ Kinh doanh Thương trường Doanh nghiệp vừa và nhỏ kiệt sức trong COVID-19: Chật vật tìm sự trợ lực

Doanh nghiệp vừa và nhỏ kiệt sức trong COVID-19: Chật vật tìm sự trợ lực

Doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ thường đi kèm với không có nhiều tài sản đảm bảo và những “dự án thuyết phục”, 2 yếu tố để ngân hàng rút hầu bao cho vay. Bình thường đã khó, trong những cuộc biến động lớn như dịch bệnh COVID-19 lần này họ lại càng khó hơn. May ra chỉ có một cách làm khác hẳn thông lệ mới có thể phá vỡ thế bế tắc.

Kiệt sức và tan rã
Đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các DN vừa và nhỏ ở Việt Nam, và việc duy trì thanh khoản cho những DN này có vai trò quan trọng nhằm bảo đảm việc làm và hạn chế thiệt hại về kinh tế. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn của những DN này là vô cùng khó khăn.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2020, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 32,7 nghìn DN, tăng đến 41,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến nay có 21,8 nghìn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể. Và hiện đã có 8,9 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể (trong đó có 7,9 nghìn DN có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng).

Doanh nghiệp vừa và nhỏ kiệt sức nhưng không thể tiếp cận nguồn tín dụng để tồn tại và phát triển, dẫn đến giải thể hàng loạt. (Ảnh minh họa)

Các DN hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (có gần 3,3 nghìn DN), công nghiệp chế biến, chế tạo (có 1.012 DN), và ở các lĩnh vực xây dựng, quảng cáo, kinh doanh bất động sản, dịch vụ lưu trú và ăn uống, dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng, vận tải, kho bãi… Ngoài ra, trong 7 tháng qua, trên cả nước còn có 26,7 nghìn DN không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 7 tháng đầu năm 2020 có 63.461 DN rút lui khỏi thị trường (tăng 10,9% so với cùng kỳ 2019). Trong đó có 32.722 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 41,5%), 21.802 DN chờ giải thể, 8.937 DN hoàn tất thủ tục giải thể. Trung bình mỗi tháng có hơn 9.000 DN rút lui khỏi thị trường.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 vào trung tuần tháng 8/2020, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: “Trước mắt phải giảm tối đa DN giải thể, ngừng hoạt động, phá sản bởi vì tình trạng này sẽ dẫn đến người lao động bị mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, đặc biệt là người có hoàn cảnh khó khăn và yếu thế trong xã hội”. Được biết, hơn 21.000 DN (với tổng số vốn đăng ký hơn 12 nghìn tỷ đồng) tại TP.HCM phải giải thể trong 7 tháng đầu năm, gây ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động khôi phục kinh tế của thành phố.

Cần một cách làm khác
Hiện nay, gói tín dụng mà các ngân hàng đang đưa ra nhằm hỗ trợ các DN ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 bao gồm: Cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với nợ cũ và cho vay mới, giảm lãi, giảm phí. Trong đó, hiện nay một số ngân hàng đã cho phép cơ cấu lại nợ với thời hạn lên đến 1 năm; Giữ nguyên nhóm nợ, đồng thời gói cam kết cho vay mới lên tới 600.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, con số tăng trưởng tín dụng âm kể từ đầu tháng 4 cho thấy khả năng hấp thụ vốn của các DN hiện nay rất yếu. Trong khi đó, nhiều DN vừa và nhỏ vẫn than về việc cần vốn nhưng không thể tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi, vì không đáp ứng chuẩn của các ngân hàng. “Nếu DN thiếu tài sản đảm bảo thì phải có kế hoạch kinh doanh tốt, ngân hàng kiểm soát được dòng tiền thì chắc chắn sẽ cho vay” -đại diện một ngân hàng cho biết.

Ô.Lê Văn Hiệp -Giám đốc một công ty vận tải ở quận 12 (TP.HCM), cho biết dù rất muốn tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho các DN chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng vẫn còn vướng nhiều thủ tục, tiêu chí cho vay của ngân hàng. Các khoản vay tín chấp, ưu đãi thường được thẩm định dựa trên chiến lược, phương án kinh doanh…lại không dễ thực hiện đối với các DN nhỏ.

Theo giới chuyên gia, các DN vừa và nhỏ vẫn gặp bế tắc trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi khi khó đáp ứng những tiêu chí của các ngân hàng. Ngay cả đối với các khoản vay thế chấp bằng tài sản, trên thực tế thủ tục thanh lý tài sản thế chấp của DN vừa và nhỏ nếu bị phá sản cũng còn nhiều quy định ràng buộc, cũng như có tỷ lệ rủi ro cao.

Các DN vừa và nhỏ vẫn gặp bế tắc trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi khi khó đáp ứng những tiêu chí của các ngân hàng.

Tin vui từ Ngân hàng Thế giới
Theo IFC -thành viên nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho các DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ ở Việt Nam, một động lực chính của tăng trưởng kinh tế trong hai thập kỷ qua. Việc duy trì thanh khoản cho những DN này có vai trò quan trọng nhằm duy trì việc làm và hạn chế thiệt hại về kinh tế.

Ô.Kyle Kelhofer -Giám đốc Quốc gia của IFC tại Việt Nam-Campuchia và Lào, cho biết: “Kinh nghiệm từ những cú sốc trong quá khứ, trong đó có cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, đã mang đến cho chúng tôi một bài học rằng DN vừa và nhỏ sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc khủng hoảng COVID-19 hiện nay”.

IFC công bố cung cấp thêm các gói tài chính với khoảng 140 triệu USD ở hai ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam để giúp tăng cường hỗ trợ khách hàng -đặc biệt là những DN vừa và nhỏ gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19.  Khoản tài chính này được hy vọng sẽ giúp phía ngân hàng tăng cường thanh khoản để tiếp tục cho vay mới cho khách hàng DN, trong khi đồng thời kéo giãn thời hạn trả nợ của các DN.

Ngoài ra, IFC cũng đang phối hợp với Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) huy động một gói tài trợ bổ sung khoảng 100 triệu USD để nâng cao hơn nữa khả năng cho vay các DN bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Gói tài trợ này được kỳ vọng sẽ giúp ngân hàng mở rộng tài trợ thương mại và tài trợ vốn lưu động cho các DN Việt Nam, trong đó có các DN vừa và nhỏ vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19. Tuy nhiên, thủ tục vay mới với nhiều DN vừa và nhỏ ở trong nước vẫn được cho là khá khó khăn.

Doanh nghiệp trông đợi gì ở Quỹ bảo lãnh tín dụng?
Theo nhiều chuyên gia, đây là lúc cần phát huy vai trò của Quỹ bảo lãnh tín dụng (BLTD). Tính đến nay, cả nước có gần 30 Quỹ BLTD được thành lập và đi vào hoạt động, với tổng vốn điều lệ khoảng trên 1.400 tỷ đồng, trong đó có đến hơn 1.300 tỷ đồng là vốn ngân sách.

Theo ông Nguyễn Văn Thân -Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, hạn chế lớn nhất của mô hình Quỹ BLTD là khả năng đáp ứng nhu cầu cho các DN chưa cao. Chúng ta mới chỉ có một mô hình Quỹ BLTD cho các DN vừa và nhỏ ở các địa phương với quy mô vốn rất nhỏ, trong khi số lượng các DN vừa và nhỏ tại Việt Nam rất lớn nên các quỹ không thể đáp ứng được nhu cầu BLTD của các DN này.

Trong khi đó, năng lực điều hành, quản trị của DN vừa và nhỏ rất thấp, ngân hàng thì không thể cho vay dưới chuẩn.Trước kia chúng ta kêu gọi DN nâng tầm lên, nhưng nay đại dịch đến rồi, họ chưa thể nâng tầm được. Vì vậy muốn giúp họ phải có cách.

Theo các chuyên gia, Chính phủ phải mở rộng quỹ, phải có Quỹ BLTD ở trung ương để bảo lãnh cho DN. Khi đó ngân hàng sẽ yên tâm hơn, vì nếu chẳng may DN không trả được thì đã có quỹ bảo lãnh rồi. Còn Chính phủ cũng không phải bỏ tiền ra cho DN, trừ khi doanh nghiệp phá sản thì Nhà nước mới phải bỏ tiền ra.

Nói về nguy cơ vỡ quỹ do các DN sử dụng vốn vay không hiệu quả, các chuyên gia cho rằng không nên quá lo vì DN nào cũng muốn làm ăn có lãi, không DN nào muốn lâm vào cảnh phá sản.
Phạm Phù Cát -Theo TCV

Tín dụng thời Covid-19: Đã đến lúc phát huy quỹ bảo lãnh tín dụng

Hơn 63.000 doanh nghiệp đóng cửa trong 7 tháng đầu năm

Trên 21.000 doanh nghiệp TPHCM giải thể do ảnh hưởng Covid-19

Có thể bạn quan tâm