Về trang chủ Tài chính Giao dịch ngân hàng: Khách hàng cần tránh những chiêu lừa nào?

Giao dịch ngân hàng: Khách hàng cần tránh những chiêu lừa nào?

Thời gian qua, một số nhân viên ngân hàng đã lợi dụng kẻ hở trong quản lý để thực hiện các thủ đoạn lừa đảo, đưa đến hậu quả nghiêm trọng mà người chịu nhiều thiệt hại nhất là khách hàng. Làm thế nào để tránh những chiêu lừa này?

Nâng khống số tiền vay để chiếm đoạt
Cuối tháng 8/2020, Công an tỉnh Quảng Bình tạm giữ hình sự đối với Dương Minh Phú (SN 1988, trú tại huyện Bố Trạch), nhân viên Phòng giao dịch huyện Bố Trạch, Ngân hàng BIDV chi nhánh Quảng Bình về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản gần 15 tỷ đồng.

Điểm chung của các trường hợp bị lừa đảo là quá trình làm hợp đồng tín dụng vay vốn, Dương Minh Phú yêu cầu khách hàng ký khống hồ sơ khi làm thủ tục, sau đó Phú đã nâng số tiền cần vay lên gấp nhiều lần so với nhu cầu của khách hàng, Phú chi cho khách hàng số tiền cần vay, phần còn lại Phú chiếm đoạt.

Công an tỉnh Quảng Bình tạm giữ hình sự đối với Dương Minh Phú về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản gần 15 tỷ đồng.

Ông Lê Trung Phước (tiểu khu 9, thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch) cho biết: Ngày 10/2/2020 ông đến Ngân hàng BIDV làm thủ tục xin vay 700 triệu đồng. Quá trình làm thủ tục ông được Phú yêu cầu ký rất nhiều giấy tờ. Sau này, ông Phước nhận được thông báo dư nợ số tiền 1,5 tỷ đồng chứ không phải 700 triệu đồng như ông thực nhận.

Hỏi thì Dương Minh Phú giải thích: 800 triệu đồng là khoản tiền Phú được lãnh đạo duyệt để làm đáo hạn, ông không phải lo về khoản này. Suốt thời gian sau đó, ông Phước vẫn chỉ trả lãi suất của số tiền 700 triệu đồng, sau đó có 2 lần ông trả nợ ngân hàng với số tiền là 300 triệu đồng và 50 triệu đồng. Tuy nhiên, đến khi Phú bỏ trốn thì ông mới phát hiện ra số dư nợ ngân hàng của ông hiện vẫn là 1,5 tỷ đồng.

Bà Hoàng Thị Quế (xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch) cho biết: Tháng 3/2019 bà đến Ngân hàng BIDV làm thủ tục vay 700 triệu đồng và được Dương Minh Phú hướng dẫn làm thủ tục. Tháng 3/2020, bà tiếp tục đến Phòng giao dịch huyện Bố Trạch và được ông Phú hướng dẫn làm thủ tục vay 500 triệu đồng. Tháng 4/2020, đến lịch đáo hạn ngân hàng, lấy lý do dịch COVID-19 nên phải giao dịch ở nhà, Dương Minh Phú có chuẩn bị một số giấy tờ trước rồi yêu cầu bà Quế ký.

Do tin tưởng nên bà đã ký dù không nắm rõ nội dung là gì. Đến ngày 16/7/2020, sau khi không liên lạc được với Phú để trả tiền lãi, bà đã đến Phòng giao dịch huyện Bố Trạch và được cán bộ ngân hàng thông báo khoản vay tháng 3/2019 là 1,6 tỷ đồng, khoản vay tháng 3/2020 là 650 triệu đồng, tổng dư nợ là 2,25 tỷ đồng chứ không phải là 1,2 tỷ đồng.

Nhận tiền gửi nhưng không nhập quỹ
Mai Thị Huyền (30 tuổi, ngụ tại P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) là hoa khôi trong một cuộc thi vẻ đẹp nữ sinh ở TP.HCM. Khi là sinh viên, Huyền tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa và tình nguyện. Sau khi ra trường Huyền được một chi nhánh ngân hàng uy tín tuyển dụng vào làm việc. Với mác nhân viên của Ngân hàng O.B (đóng trên địa bàn TP.Biên Hòa, Đồng Nai) Huyền đã chiếm được lòng tin của nhiều người, sau đó dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt của một số khách hàng đến ngân hàng giao dịch số tiền hàng tỷ đồng.

Trong thời gian làm nhân viên ngân hàng, thủ đoạn Huyền sử dụng là nhận tiền gửi của khách hàng rồi chiếm đoạt mà không nhập vào ngân hàng. Để khách hàng gửi tiền không nghi ngờ việc Huyền biển thủ vào túi riêng của mình, hàng tháng, Huyền vẫn chi tiền lãi cho khách hàng. Hàng loạt khách hàng vào gửi tiền ngân hàng nhưng Huyền đã không nhập tiền vào mà bỏ túi riêng mang đi tiêu xài. Là một nhân viên mới ra trường nhưng hầu như ngày nào Huyền cũng vào các nhà hàng sang trọng và các tụ điểm ăn chơi tốn kém.

TAND tỉnh Đồng Nai đã tuyên phạt Mai Thị Huyền 13 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Để tạo sự tin tưởng, Huyền xây dựng hình ảnh giàu có với việc liên tục thay đổi các mẫu mã xe hơi tiền tỷ. Huyền lợi dụng danh tiếng nhân viên ngân hàng, vẻ ngoài bắt mắt và lời lẽ dễ nghe nên nhiều đại gia đã bị kiều nữ lừa gạt. Huyền tìm hiểu cách làm giả giấy tờ đăng ký xe ô tô, sau đó tìm đến một số đơn vị cho thuê xe ô tô mới để thuê. Để lấy lòng tin và cảm tình đối với các chủ xe, Huyền thường hẹn đặt thuê từ 1-5 tháng để đủ thời gian xử lý giấy tờ xe, sau đó đem đi bán.

Ngoài hành vi phạm tội trên, Huyền còn vay của các anh: TMT hơn 1 tỷ đồng, HNT hơn 400 triệu đồng, anh S. hơn 1,5 tỷ đồng, PTTL hơn 920 triệu đồng và PTL 150 triệu đồng. Ước tính số tiền Huyền lừa đảo mua bán ô tô gần 2 tỷ đồng, vay nợ doanh nghiệp cũng như cá nhân lên đến khoảng 4 tỷ đồng nhưng không có khả năng trả nợ.

Lừa đảo cho vay trực tuyến để chiếm đoạt tiền phí
Ngay khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, hàng loạt ngân hàng đưa ra cảnh báo hiện tượng: Đối tượng mạo danh nhân viên ngân hàng để lừa đảo cho vay qua mạng xã hội, thu phí mở thẻ tín dụng giả… của nhiều ngân hàng.

Với hoạt động cho vay, các đối tượng lừa đảo dùng hình thức quảng cáo trên các website bằng cách tự nhận mình là nhân viên ngân hàng và đang tìm khách hàng có nhu cầu vay vốn. Thủ tục vay đơn giản, chỉ cần chụp CMND, bằng lái xe… và giải ngân trong vòng 24h không cần gặp mặt, thậm chí có nợ xấu vẫn có thể vay được tiền. Sau khi nạn nhân gửi các giấy tờ và thông tin cá nhân, sẽ yêu cầu đóng một khoản phí, phổ biến là “phí bảo hiểm rủi ro”, dao động từ 1-2 triệu đồng rồi chiếm đoạt khoản phí này.

Một số đối tượng khác mạo danh nhân viên ngân hàng lừa đảo thu phí mở thẻ tín dụng giả. Các đối tượng này lập website, gửi thư điện tử gắn với tên ngân hàng hoặc gọi điện thoại tự xưng mình là nhân viên để tiếp thị và hướng dẫn khách hàng thực hiện các bước theo quy trình cấp thẻ tín dụng. Theo thông tin từ nhiều khách hàng, thẻ tín dụng giả này có thông tin sơ sài, mặt trước có tên “thẻ đa năng” và dãy số, phía dưới là dòng chữ “khách hàng thân thiết”. Mặt sau thẻ giả có ô chữ ký của khách hàng đi kèm một số nội dung điều khoản thẻ.

Hình thức lừa đảo này là chuyển một tấm thẻ nhựa đến khách hàng bằng đường bưu điện và yêu cầu người nhận trả phí phát hành thẻ với số tiền từ 200.000-300.000đ, thậm chí có khi lên đến 5-10% hạn mức thẻ tín dụng giả. Sau khi nhận tiền, các số điện thoại đã liên hệ đều mất tín hiệu và đương nhiên khách hàng cũng không thể sử dụng chiếc thẻ giả này.

Đối tượng mạo danh nhân viên ngân hàng để lừa đảo cho vay qua mạng xã hội, thu phí mở thẻ tín dụng giả… của nhiều ngân hàng.

Xử lý thế nào?
Trao đổi về vụ việc của Dương Minh Phú, Ô.Lê Gia Hiệp -Giám đốc Ngân hàng BIDV chi nhánh Quảng Bình, cho biết: Sau khi nhận phản ánh của khách hàng, phía ngân hàng đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra làm rõ vụ việc. Ông Hiệp khẳng định, sau khi có kết luận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, các bên sẽ thực hiện nghĩa vụ của mình, quyền lợi khách hàng phát sinh trong quá trình tranh chấp vẫn sẽ được ngân hàng bảo đảm.

Các chuyên gia khuyến cáo khách hàng nên mang tiền đến gửi trực tiếp tại ngân hàng, nhận sổ hoặc chứng từ đầy đủ, không nên giao dịch ở ngoài ngân hàng hoặc gửi tiền trước nhận sổ sau. TS.Lê Xuân Nghĩa -chuyên gia kinh tế, tư vấn: Để tránh tình trạng cán bộ, nhân viên ngân hàng gian lận, các điểm giao dịch ngân hàng cần tăng cường khâu kiểm tra, giám sát hằng ngày thông qua hệ thống camera ở các bộ phận, nhất là ở khâu phát hành sổ tiết kiệm.

Mới đây, MB vừa phải lên tiếng cảnh báo về những đối tượng giả mạo nhân viên ngân hàng này để lừa đảo. Ngân hàng cho biết, thời gian qua xuất hiện một số đối tượng giả mạo cán bộ, nhân viên ngân hàng MB nhằm đánh vào tâm lý cả tin của khách hàng đã trao đổi và mời khách hàng cung cấp các thông tin cá nhân (số thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu) để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Hình thức mà các đối tượng lừa đảo chủ yếu là sử dụng hình ảnh giả mạo gửi cho khách hàng để chứng minh khách hàng đã được giải ngân khoản vay vào tài khoản vừa mở tại ngân hàng. Sau đó, các đối tượng yêu cầu khách hàng nộp trước một khoản tiền cho kỳ thanh toán đầu tiên vào một số tài khoản mà kẻ gian cung cấp và chặn toàn bộ liên lạc với khách hàng sau khi đã nhận tiền.

Liên quan đến hình thức lừa đảo mở thẻ tín dụng, Ngân hàng Xây dựng (CB) khẳng định, tính đến thời điểm hiện tại, ngoài sản phẩm thẻ CB ghi nợ nội địa (ATM), Ngân hàng chưa phát hành bất kỳ loại thẻ đa năng hay thẻ tín dụng ra thị trường. Ngoài ra, một số công ty tài chính tiêu dùng như: SHB Finance, FE Credit… cũng đưa ra những cảnh báo về thủ đoạn tương tự.

Với các thủ đoạn lừa đảo trên, các ngân hàng khuyến cáo khách hàng cần cẩn trọng và cảnh giác với các tin nhắn, cuộc gọi không rõ ràng yêu cầu phải chuyển tiền/phí để mở thẻ. Khách hàng không truy cập và thực hiện giao dịch thanh toán, mua bán, nhận tiền, vay tiền trên các link, website lạ được nhận qua tin nhắn, email.

Không nạp tiền/chuyển khoản cho người lạ hoặc có dấu hiệu nghi vấn và giữ bí mật thông tin bảo mật các dịch vụ internet banking và thẻ do ngân hàng cung cấp. Khách hàng không cung cấp thông tin bảo mật như mã PIN thẻ, mật khẩu truy cập, mật khẩu giao dịch một lần OTP, mật khẩu truy cập địa chỉ email cá nhân cho bất cứ ai và dưới bất cứ hình thức nào (nhắn tin, trả lời điện thoại, tiết lộ trực tiếp, nhập vào trang website không tin cậy…).

Đối với những trường hợp nhận được lời tư vấn làm giả hồ sơ hoặc chỉnh sửa thay đổi thông tin trên hồ sơ vay như chỉnh sửa CMND, làm giả sao kê ngân hàng và các chứng từ khác để làm hồ sơ vay hoặc yêu cầu các khoản phí thẩm định, phí tư vấn, khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin hoặc làm theo yêu cầu, đồng thời thông báo ngay cho phía ngân hàng, công ty tài chính và cơ quan công an.
Phạm Phù Cát -Theo TCV

Chuyển đổi số: Con đường tất yếu doanh nghiệp phải vượt qua

Báo cáo tài chính lãi thành lỗ: Những chiếc bẫy chực chờ nhà đầu tư

Có thể bạn quan tâm