Về trang chủ Kinh doanh Thương trường Giữa đại dịch COVID-19: Doanh nghiệp chuyển hướng để tồn tại và phụng sự

Giữa đại dịch COVID-19: Doanh nghiệp chuyển hướng để tồn tại và phụng sự

Giữa khó khăn bủa vây từ dịch COVID-19 bùng phát, bên cạnh những doanh nghiệp (DN) chết lâm sàng thì cũng có nhiều DN đã nhanh nhạy chuyển hướng sản xuất kinh doanh vừa để tồn tại, vừa đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Gỗ nội-ngoại thất tìm lên không gian mạng
Ngành gỗ nội-ngoại thất tưởng chừng như là ngành ít bị ảnh hưởng nhất từ đại dịch thì nay cũng đã bắt đầu thấm đòn. Chuỗi cung ứng bị đứt gãy, kế hoạch bán hàng qua triển lãm hội chợ bị đổ bể, việc tắc đường biên đang khiến cho hàng tồn kho tăng cao gây áp lực về kho bãi và bảo dưỡng.

Mới đây, một số thành viên của Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM-Hawa đã thử nghiệm mô hình thương mại điện tử, kết hợp với thực tế ảo (virtual reality) để giới thiệu sản phẩm tới khách hàng. Trang điện tử này giống hệt một gian hàng trưng bày tại hội chợ, người mua có thể xem được tất cả các mẫu mã mà doanh nghiệp nội thất trưng bày và tham quan nhà xưởng trên không gian 3D, khách hàng sẽ có đủ thông tin nếu có nhu cầu.

Năng lực sản xuất của 50 doanh nghiệp khoảng 8 triệu chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn mỗi ngày, đủ cung ứng cho thị trường.

Theo ông Trần Việt Tiến -Thường vụ Ban chấp hành của Hawa, thông qua sàn thương mại điện tử này, hai bên có thể biết được mẫu mã, giá cả và năng lực sản xuất của nhau. Khách hàng nước ngoài khi không hoặc chưa đến được Việt Nam có thể khảo sát năng lực sản xuất của đối tác tiềm năng thông qua kiểm toán độc lập. Đây là hướng đi tất yếu, dài hạn không chỉ đối với ngành gỗ mà còn ở nhiều ngành hàng khác.

Theo các chuyên gia, dù đang đối diện với khủng hoảng nhưng thời điểm này cũng là cơ hội để kiện toàn hệ thống kinh doanh online, bởi lẽ kinh doanh truyền thống bộc lộ nhiều hạn chế như chi phí vận hành quá lớn, kém năng động nhưng chưa được quyết liệt cải tổ. Hoạt động kinh doanh trực tuyến được các DN coi là “chiếc đũa thần” trong bối cảnh kinh tế suy giảm do dịch bệnh. Thậm chí cũng đã có nhiều DN nắm bắt được cơ hội để thúc đẩy kinh doanh toàn diện hơn sau dịch.

Từ sản xuất thời trang chuyển sang sản xuất khẩu trang
Dịch COVID-19 đang khiến thu nhập của 3 triệu lao động ngành dệt may bị ảnh hưởng nặng nề. Tập đoàn dệt may Việt Nam-Vinatex đã đưa ra một số kịch bản gồm tập trung giải quyết nhanh, gọn các đơn hàng chưa bị hủy, tìm kiếm các đơn hàng phục vụ thị trường nội địa, sản xuất các mặt hàng phòng dịch.

Ô.Cao Hữu Hiếu -Phó tổng giám đốc Vinatex, cho biết: Thách thức lớn nhất đối với DN dệt may trong nước cũng như toàn cầu là dòng tiền đang dừng lại, đe dọa sự tồn tại của DN. Vinatex đã chỉ đạo các đơn vị thành viên chuyển sang sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn để bù đắp phần thiếu hụt của các sản phẩm truyền thống. Việc sản xuất khẩu trang giúp Tập đoàn giải quyết việc làm cho 20% số lao động bị thiếu việc.

Tại CTCP may Vũng Tàu (KCN Đông Xuyên, TP.Vũng Tàu), trước đây mặt hàng chính của công ty là quần áo thời trang xuất khẩu. Dịch COVID-19 bùng phát mạnh, các đơn hàng xuất khẩu bị ngưng lại, để tạo việc làm cho người lao động, Công ty chuyển sang sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn. Ngoài khẩu trang vải kháng khuẩn, công ty cũng đưa vào sản xuất mặt hàng quần áo bảo hộ y tế bằng vải không dệt kháng nước.

Còn tại Công ty TNHH Hikosen Cara (TP.Vũng Tàu) những ngày này, ngoài các mặt hàng như quần áo người lớn, trẻ em, túi xách, thú nhồi bông, áo và khăn len, các sản phẩm trang trí phòng ngủ, dụng cụ bếp… Công ty cũng tăng cường sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn. Ông Nguyễn Phước Lộc -Giám đốc Công ty, cho biết: Khẩu trang được xử lý bằng hóa chất kháng khuẩn và có thể giặt để tái sử dụng. Mỗi tuần Công ty có thể sản xuất 5.000 khẩu trang để cung ứng ra thị trường.

Số liệu thống kê của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) từ 50 DN dệt may cho biết: Năng lực sản xuất của các DN khoảng 8 triệu chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn mỗi ngày, bình quân mỗi tháng khoảng 200 triệu chiếc, riêng 3 tháng đầu năm đã cung ứng ra thị trường 57 triệu chiếc khẩu trang. Ô.Vũ Tiến Lộc -Chủ tịch Phòng thương mại & công nghiệp Việt Nam-VCCI, đề nghị Chính phủ có chiến lược thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu mặt hàng này, đây là cỗ máy in tiền thời dịch bệnh.

Một số doanh nghiệp trong nước đã tích cực, khẩn trương nghiên cứu, sản xuất các trang thiết bị y tế phòng chống dịch như camera đo thân nhiệt từ xa, máy thở.

Xe hơi, điện thoại… tham gia sản xuất máy thở
Khi dịch bệnh bùng phát mạnh, nhu cầu sử dụng máy thở tăng cao, khả năng đáp ứng máy thở sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, khả năng sản xuất của các doanh nghiệp nước ngoài cũng không đủ cung ứng nhu cầu các nước trên thế giới, gây khó khăn cho việc đặt mua máy thở của Việt Nam từ nước ngoài.

Trước tình hình đó, việc đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất máy thở trong nước có ảnh hưởng sống còn đến quá trình kiểm soát dịch bệnh ở nước ta. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao một số doanh nghiệp trong nước đã tích cực, khẩn trương nghiên cứu, sản xuất các trang thiết bị y tế phòng chống dịch như camera đo thân nhiệt từ xa, máy thở.

Tập đoàn Vingroup công bố quyết định triển khai việc sản xuất máy thở các loại (xâm nhập và không xâm nhập) và máy đo thân nhiệt nhằm cung ứng cho thị trường Việt Nam theo lời kêu gọi của Chính phủ. Ông Nguyễn Việt Quang -Tổng giám đốc Vingroup, cho biết:

“Chúng tôi dự kiến sẽ cung cấp các thiết bị này cho Bộ Y tế với đúng giá thành linh kiện. Trước mắt, chúng tôi sẽ tặng cho Bộ Y tế 5.000 máy thở không xâm nhập để kịp thời phục vụ chống dịch. Công suất của các nhà máy VinFast, VinSmart có thể sản xuất tới 45.000 máy thở không xâm nhập và 10.000 máy thở xâm nhập mỗi tháng”.

 

CEO của Bkav Nguyễn Tử Quảng cũng cho biết Bkav sẽ sản xuất xong máy mẫu đầu tiên, để có thể xin cấp phép sản xuất hàng loạt từ Bộ Y tế. BKAV đã cử đội ngũ nghiên cứu dự án này và đã hoàn tất kế hoạch sản xuất, làm việc với chuỗi cung ứng đang tham gia sản xuất Bphone, hơn 9000 công nhân và 4 nhà máy trong hệ thống đã sẵn sàng. Điều này giúp Việt Nam không lo thiếu máy thở nếu trường hợp xấu xảy ra, và còn có thể xuất khẩu để hỗ trợ các quốc gia khác nếu dịch bệnh vẫn còn hoành hành.

Nghỉ du lịch, ta phân phối sản phẩm y tế
CTCP truyền thông du lịch Việt đã quyết định chuyển hướng kinh doanh bằng việc phối hợp với CTCP đầu tư Ecom Net để phân phối độc quyền các loại khẩu trang y tế, trang phục chống dịch, trang phục y tế và các sản phẩm y tế dùng một lần. Tổng giám đốc Trần Văn Long tự tin: Việc chuyển hướng sang kinh doanh khẩu trang được kỳ vọng sẽ duy trì việc làm cho nhân viên đến cuối năm, khi mà Công ty đã đóng cửa toàn bộ hoạt động du lịch.

Trường hợp của CTCP bóng đèn Điện Quang, ngay khi dịch COVID-19 xuất hiện trở lại, Điện Quang đã kịp thời cho ra thị trường sản phẩm hộp diệt khuẩn UVC với thiết kế nhỏ gọn dùng để khử trùng cho các vật dụng cá nhân. Trước đó, khi dịch COVID-19 xảy ra hồi đầu năm 2020, đội ngũ nghiên cứu của Điện Quang đã cho ra mắt bộ giải pháp diệt khuẩn thông minh với các sản phẩm như đèn led diệt khuẩn xách tay (dùng trong gia đình, trong ô tô), bộ đèn diệt khuẩn huỳnh quang (dùng trong thang máy, bệnh viện, ngân hàng, phòng vệ sinh…) được thị trường đánh giá cao.

Hay như CTCP hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo đang xuất khẩu khá thành công các sản phẩm gel rửa tay khô, nước rửa tay, xịt diệt khuẩn… vào thị trường Mỹ trong mùa dịch sau khi linh động chuyển sang sản xuất mặt hàng này, cũng như nỗ lực sớm hoàn tất các công đoạn để được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép. Ông Lương Vạn Vinh -Tổng giám đốc Công ty, cho biết: “Khi dịch bệnh làm cho DN khó khăn thì mình cũng cần tìm cách vượt qua, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh để người lao động có công ăn việc làm”.
Phạm Phù Cát -Theo TCV

Doanh nghiệp vừa và nhỏ kiệt sức trong COVID-19: Chật vật tìm sự trợ lực

Thị trường văn phòng cho thuê thời COVID-19: Thoi thóp và nhìn lại

Có thể bạn quan tâm