Về trang chủ Kinh doanh Thương trường Giữa đại dịch COVID-19: Doanh nghiệp làm gì để thoát hiểm?

Giữa đại dịch COVID-19: Doanh nghiệp làm gì để thoát hiểm?

Rà soát, tối ưu lại hệ thống, cắt bỏ những lĩnh vực và sản phẩm không hiệu quả, tăng kênh bán hàng, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, cắt giảm-chia sẻ chi phí/lợi nhuận… là những tiêu chí giúp doanh nghiệp (DN) vượt bão COVID-19.

Kinh tế chia sẻ của ngành dịch vụ ăn uống
Các doanh nghiệp (DN) ở ngành dịch vụ ăn uống (F&B) gặp nhiều khó khăn, việc gỡ khó bằng liên kết giữa các DN với nhau để tăng kênh bán hàng, giảm chi phí… là rất cần thiết. Mới đây, chuỗi cà phê Ông Bầu đã khai trương 6 điểm bán mới tại mặt bằng sẵn có của chuỗi nhà hàng Ba Gác tại TP.HCM. Việc kết hợp sẽ giúp hai bên nhanh chóng mở rộng mạng lưới, mở rộng khách hàng, và góp phần tăng doanh số. Sự hợp tác đã mang lại hiệu quả cao cho cả hai chuỗi cà phê và nhà hàng, chia sẻ chi phí, cải thiện lợi nhuận, phục hồi hiệu quả và gia tăng sự hài lòng của khách hàng.

Chú thích ảnh: Sáng tạo những sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của thị trường là một cách thoát hiểm trong những lúc khó khăn.

Một cách làm khác là chia sẻ quyền lợi với khách hàng. Theo các chuyên gia, các DN F&B Việt trong cùng phân khúc có thể liên kết với nhau tạo thành các e-voucher (phiếu mua hàng điện tử) hoặc liên kết gọi vốn cộng đồng bằng coupon (phiếu mua hàng giảm giá) dịch vụ. Tháng 4/2020, một dự án gọi vốn cộng đồng bằng coupon đã được triển khai lần đầu tiên ở Việt Nam, liên kết khoảng 1.000 DN tham gia vào hệ thống chỉ trong vòng 2 tháng. Dự án giúp DN gọi vốn lên đến hàng tỷ đồng. Người mua tiết kiệm được chi tiêu trong khi người bán vẫn thu về được chi phí cơ bản để vận hành hệ thống. Thông qua đó, DN không còn lo bị gián đoạn hoạt động kinh doanh hay đứt kết nối với khách hàng.

Ông Taku Tanaka -Tổng giám đốc Kamereo, một nhà phân phối thực phẩm sử dụng công nghệ, cho biết: Tôi nhận thấy một số thiếu sót tại các chuỗi nhà hàng khi vận hành tại Việt Nam là họ không có đủ tài sản thế chấp, các DN sẽ mất nhiều thời gian hơn để mở chuỗi. Thời gian gần đây, nhiều DN tư nhân, đóng vai trò như nhà đầu tư, đã và đang tích cực hỗ trợ các nhà hàng này.

Quy mô 540.000 cửa hàng ăn uống, 22.000 cửa hàng cà phê, quầy bar và trên 80.000 nhà hàng (số liệu về ngành F&B Việt Nam trước khi có đại dịch COVID-19), giới chuyên gia tin rằng sau khi đại dịch COVID-19 qua đi, với tiềm lực đã mạnh sẵn thì thị trường F&B Việt Nam sẽ hồi phục nhanh trở lại. Có thể trong 3 năm tới, cùng với sự gia tăng tầng lớp trung lưu thì doanh thu của ngành F&B có thể đạt hơn 400 tỷ USD.

Ngành nông sản tiếp cận khách hàng, tăng sản phẩm chế biến
Ngay khi dịch COVID-19 xảy ra, HTX sản xuất kinh doanh rau củ quả an toàn du lịch-làng nghề sinh thái Tâm Anh (Hà Nội) đã bắt tay với khoảng 30 HTX khác để triển khai tiêu thụ sản phẩm. Điều này không chỉ giúp người tiêu dùng có thể tiếp cận được dễ dàng hơn những sản phẩm an toàn, chất lượng mà các HTX cũng có được đầu ra cho nông sản trong bối cảnh khó khăn.

Bằng cách mở các điểm bán hàng ở tuyến phố lớn, khu chung cư… đã giúp nông sản của Tâm Anh tiếp cận với nhiều người tiêu dùng hơn. Bên cạnh việc đẩy mạnh bán hàng, HTX Tâm Anh cũng chú trọng xây dựng thương hiệu, đảm bảo tem nhãn chứng minh xuất xứ. Bao bì thay đổi từ túi nilon thành các loại bao bì thân thiện với môi trường như túi vải, rau bọc bằng giấy, lá.

Bà Đào Thị Lương -Giám đốc HTX Tâm Anh, chia sẻ: Việc sử dụng túi vải có in logo của HTX, khi khách hàng hết thực phẩm chắc chắn sẽ nhớ ngay đến chúng tôi. Đồng thời, để nâng cao giá trị sản phẩm, HTX này cũng đang đẩy mạnh chế biến, sơ chế các loại nông sản tươi thành hàng khô như cam sấy, củ cải khô… giúp nâng cao giá trị, cũng như kéo dài thời gian bảo quản.

Trong khi đó, CTCP Visimex -doanh nghiệp chuyên xuất khẩu sản phẩm nông sản như cà phê, điều, hồ tiêu… nhanh chóng tìm cách thích nghi với dịch bệnh. Ông Thân Văn Hùng -Tổng giám đốc Visimex, cho hay: Khi dịch xảy ra, các khách hàng lớn của chúng tôi đều có nhu cầu về sản phẩm chất lượng cao. Vì vậy, doanh nghiệp thậm chí còn không đủ sản phẩm để cung ứng ra thị trường. Tuy nhiên, việc chỉ tập trung xuất khẩu nguyên liệu thô sẽ phụ thuộc vào sự nóng lạnh của thị trường thế giới, sản phẩm chế biến sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững hơn.

Vì vậy, Visimex đang tập trung sản xuất hàng thực phẩm chế biến để cung ứng cho thị trường nội địa và thế giới. Theo ông Hùng, chất lượng sẽ là yếu tố quyết định đến thành công khi đưa sản phẩm nông sản Việt vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Muốn có chất lượng thì sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải tự nâng cấp nhiều về cơ sở vật chất, năng lực sản xuất, quy trình kiểm soát chất lượng, môi trường, an toàn lao động, trách nhiệm xã hội.

Nhà nước cần hỗ trợ cho doanh nghiệp về công nghệ chiếu xạ, kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay, doanh nghiệp miền Bắc phải đưa hàng hóa thực phẩm, nông sản vào miền Nam để chiếu xạ nên rất tốn kém chi phí. Đồng thời, các hiệp hội, ngành hàng cần phải chủ động hơn nữa trong việc liên kết với nhau để tạo nên sức mạnh.

Sáng tạo sản phẩm mới
Mopi -một xưởng tranh chuyên thiết kế và in ấn tranh Canvas trang trí cho khối văn phòng, nhà ở, cửa hàng, khách sạn… đã cho ra đời sản phẩm miếng dán cách ly khá độc đáo với giá từ 200.000 đồng/bộ (gồm 6 miếng dán).

Theo đó, có hai loại sản phẩm gồm decal dán sàn thang máy giúp nhắc nhở mọi người lưu ý giữ khoảng cách hoặc hạn chế nói chuyện, đeo khẩu trang khi ra ngoài. Một dạng miếng dán khác thường được công sở, nhà hàng, công ty, siêu thị sử dụng để đánh dấu vị trí, thực hiện giãn cách trên 2m khi có đông người.

Ô.Hoàng Tùng -Co-Founder của Mopi, cho biết: Sản phẩm được rất nhiều khách hàng ủng hộ. Mặc dù doanh số không quá nhiều nhưng đây là một trong những yếu tố giúp Công ty có thêm đà vượt bão COVID-19. Việc cho ra đời những miếng dán cách ly vừa dựa trên năng lực sản xuất của doanh nghiệp sẵn có, vừa có ý nghĩa truyền thông xã hội về công tác phòng chống dịch COVID- 19.

Trước đó, anh Tùng cũng được truyền thông biết đến khi sáng tạo ra chiếc burger có tạo hình giống virus corona. Cả CNN và BBC, Reuters và các hãng truyền thông lớn bậc nhất thế giới đều đưa tin về sản phẩm burger corona độc lạ của Việt Nam.

Anh Tùng đưa lời khuyên, nếu chịu khó tìm kiếm ý tưởng hay sản phẩm độc đáo sẽ hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn, đặc biệt lưu ý tiết kiệm chi phí và cố gắng duy trì doanh số.
Phạm Phù Cát -Theo TCV

Ngân hàng xử lý nợ xấu: Vỡ trận do đại dịch và tín hiệu đáng sợ

Hàng Việt: Chiếm lĩnh sân nhà, chuẩn bị tâm thế để vươn ra thế giới

Có thể bạn quan tâm