Về trang chủ Kinh doanh Thương trường Hàng Việt: Chiếm lĩnh sân nhà, chuẩn bị tâm thế để vươn ra thế giới

Hàng Việt: Chiếm lĩnh sân nhà, chuẩn bị tâm thế để vươn ra thế giới

Ngày 29/4/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 634/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (sau đây gọi là “Đề án phát triển thị trường”) giai đoạn 2014-2020. Đến nay, hệ thống phân phối hàng hóa đã có khoảng hơn 20.000 điểm bán hàng bình ổn thị trường (nông sản, thực phẩm an toàn, hàng hóa thiết yếu…), hàng Việt chiếm 80-96% trong siêu thị.

Trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, hàng Việt chuẩn bị gì để vươn ra thế giới?

Hàng Việt chiếm lĩnh sân nhà
Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020 đã thực hiện được 6 năm, mang lại không ít kết quả tích cực, 100% các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương triển khai trên địa bàn Chương trình xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam cố định và bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”.

Tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại chiếm tỷ trọng 70-90%, cần làm gì để vươn ra thị trường thế giới?

Ông Trần Duy Đông -Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết: Theo báo cáo của các địa phương, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại vẫn chiếm tỷ trọng cao (70-90%). Đây là con số ấn tượng sau nhiều năm triển khai “Đề án phát triển thị trường”, vượt mức chỉ tiêu đề ra.

Hàng Việt chiếm tỷ trọng từ 80-90% trong hệ thống siêu thị của doanh nghiệp (DN) trong nước. Cụ thể, Co.opmart 90-93%, Satra 90-95%, Vissan 95%, Vinmart 90%, BRG Retail 90%, Bách Hóa Xanh 95%…. Tỷ lệ hàng Việt tại các hệ siêu thị nước ngoài chiếm từ 60-96%: Lotte 82% theo doanh thu và 84% theo số lượng mặt hàng, Big C 96% theo doanh thu, Aeon 80% theo mã hàng, Mega Market 95% theo mã hàng…. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: Việt Nam đã thiết lập được hệ thống phân phối hàng hóa từ đô thị lớn đến các địa bàn vùng sâu, xa. Thông qua “Đề án phát triển thị trường”, hàng Việt được tiêu thụ mạnh mẽ hơn, góp phần cho các DN Việt tiêu thụ được hàng hóa, qua đó có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt đặt trong bối cảnh DN phải đối đầu với hàng hóa của các nước phát triển đang có mặt tại Việt Nam hiện nay.

Dù ngày càng khẳng định tốt hơn vị thế của mình trên thị trường nội địa, tuy nhiên ông Trần Duy Đông cũng chỉ rõ, hàng Việt đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với hàng hóa ngoại nhập về chất lượng, giá cả, mẫu mã… Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, tham gia nhiều FTA. Những quy định cụ thể về mở cửa thị trường và biện pháp kỹ thuật trong một số lĩnh vực sẽ tạo cơ hội cho DN, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của thế giới tiếp cận được thuận lợi hơn thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam.

Vì thế gia tăng áp lực cạnh tranh giữa các DN và hàng hóa Việt Nam với các DN phân phối, sản xuất lớn đến từ các nước có tiềm lực rất mạnh, nguồn hàng hóa phong phú, dồi dào. Điều này có thể dẫn đến khả năng các DN phân phối, sản xuất trong nước dễ dàng bị thâu tóm, chiếm lĩnh thị phần bởi các DN nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Thời gian qua, chúng ta đã thấy được vai trò của thị trường nội địa, nhất là với hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam trong bối cảnh dịch COVID-19 từ đầu năm đến nay có diễn biến khó lường. Tổng mức hàng hóa cũng như doanh thu nội địa trong 7 tháng đầu năm tăng 3,6%, chiếm gần 80% tổng mức doanh thu hàng hóa dịch vụ cả nước.

“Đề án phát triển thị trường” giai đoạn 2014-2020 đã hỗ trợ nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người tiêu dùng đối với hàng hóa-dịch vụ Việt Nam thông qua các chương trình truyền thông, hỗ trợ hệ thống phân phối hàng Việt Nam phát triển mạnh mẽ, bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam, qua đó đã chứng minh sức sống mãnh liệt của hàng Việt Nam là trụ cột quan trọng của thị trường nội địa.

Làm gì để hàng Việt vươn ra thế giới?
Nhìn nhận từ góc độ tích cực, theo ông Phạm Ngọc Hưng -Phó chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, áp lực cạnh tranh cũng sẽ giúp cho các DN, hàng hóa trong nước vươn lên để tăng sức cạnh tranh. Đã đến lúc các ngành sản xuất trong nước phải cơ cấu lại thị trường, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… để tăng sức cạnh tranh ở thị trường trong nước, đồng thời đảm bảo có thể đủ sức thâm nhập vào thị trường thế giới.

Bà Dương Thị Thanh Tâm -Phó tổng giám đốc Công ty Vincommerce, nhận định: DN Việt cần tập trung đầu tư nhiều hơn vào khâu nghiên cứu phát triển sản phẩm, tạo ra điểm khác biệt mang tính vượt trội, đem lại lợi ích cho người tiêu dùng. DN phải chuyển đổi tâm thế từ người làm nghề sang sản xuất chuyên nghiệp, kinh doanh thương mại. Điều đó cần sự hỗ trợ về đào tạo, kỹ năng quản trị về chiến lược đến thực thi của các hiệp hội, bộ, ban ngành.

Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hội nghị kết nối online với đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ, các nước châu Mỹ La Tinh… Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phát huy hoạt động xúc tiến thương mại online, phối hợp với địa phương, DN, hiệp hội để triển khai tốt, hỗ trợ giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Bộ Công Thương cũng như các bộ, ngành địa phương cũng đã có những biện pháp, chính sách hỗ trợ cho DN Việt Nam tiêu thụ được hàng hóa của mình. Cụ thể là Bộ Công Thương tiếp tục tổ chức hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, nhất là xúc tiến thương mại online cả trong nước lẫn chắp nối với cả các nước trên thế giới, không những mặt hàng lương thực thực phẩm mà cả các mặt hàng sản xuất công nghiệp.
Phạm Phù Cát -Theo TCV

Giữa đại dịch COVID-19: Doanh nghiệp chuyển hướng để tồn tại và phụng sự

Kinh doanh trì trệ do COVID-19: Doanh nghiệp phá thế bế tắc bằng công nghệ 4.0

Có thể bạn quan tâm