Tại diễn đàn “Từ sống sót đến thịnh vượng” ngày 20/8/2020 do FPT tổ chức, 85% lãnh đạo doanh nghiệp dự báo ảnh hưởng của cơn bão COVID-19 sẽ kéo dài đến hết năm 2021, và thậm chí có thể dài hơn. Các doanh nghiệp (DN) cần đối mặt khó khăn, chuẩn bị sẵn sàng để nắm bắt cơ hội. Trong đó, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ là một con đường không thể khác.
Du lịch tìm đường khởi động 4.0
Đại dịch COVID-19 đã thay đổi cơ bản hành vi người tiêu dùng, bên cạnh sự trải nghiệm công nghệ thuận lợi, điểm đến an toàn, du khách còn hướng đến các mô hình du lịch sinh thái, thân thiện, đảm bảo môi trường và xã hội văn minh. Do đó, các DN cũng phải đổi mới sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng nhu cầu du khách.
Hội thảo “Du lịch thông minh: Ứng dụng công nghệ 4.0 và giải pháp cấu trúc ngành du lịch-dịch vụ thời kỳ hậu COVID-19” do Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (Songhan Incubator) đang triển khai tổ chức tại nhiều địa phương. Ô.Lý Đình Quân -Tổng giám đốc Songhan Incubator, cho biết: Việt Nam muốn phát triển du lịch bền vững phải đi qua con đường du lịch thông minh, chúng ta phải có công nghệ để kiểm soát về kinh tế, xã hội và môi trường. Xây dựng nền tảng số để bán sản phẩm cho hàng nghìn thị trường quốc tế, đó là du lịch bền vững và thông minh.
Tại sự kiện, các DN đã đưa ra những giải pháp ứng dụng công nghệ 4.0 để bắt kịp xu hướng quốc tế, đem đến cho du khách những trải nghiệm mới như: Dùng hình ảnh 3D, công nghệ thực tế ảo VR để số hóa các điểm đến; Công nghệ AR và Google street view để đặt phòng khách sạn, chọn nhà hàng hay dịch vụ mua sắm; Booking tự động, quản lý nhân sự trực tuyến, số hoá giấy tờ… nhằm cắt giảm nhân sự, tiếp cận thị trường lớn với chi phí thấp.
Ông Đào Quang Thuận -CEO Bedlinker, Chủ nhiệm CLB Du lịch thông minh, thông tin: CLB Du lịch thông minh sẽ có một chuỗi chương trình đào tạo về du lịch thông minh cho các đại lý, công ty du lịch, các hãng lữ hành truyền thống để họ có thể chuyển đổi số, áp dụng các mô hình công nghệ vào công ty mình.
Đại diện Công ty hóa mỹ phẩm Tự Nhiên, chuyên sản xuất đồ dùng cho khách sạn, chị Đặng Thị Xuân Đào chia sẻ: “COVID-19 ảnh hưởng đến ngành du lịch nên cũng gặp khó khăn chung. Các sản phẩm của Tự Nhiên làm từ tre, gỗ, bao bì thân thiện với môi trường, phù hợp xu hướng hiện nay nên được sự yêu thích của các khách sạn.
Ngoài nỗ lực của các DN, để ngành du lịch phát triển bền vững, vẫn cần có sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Chia sẻ tại hội thảo, bà Võ Thị Ngọc Thuý -Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết: Sở đang đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu chung từ nhiều đơn vị kinh doanh để dự báo hành vi du khách và hình thành trung tâm điều hành du lịch thông minh. Bên cạnh đó, Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia cũng cam kết sẽ hỗ trợ giải quyết vướng mắc của các startup du lịch trong quá trình chuyển đổi số.
Ngành gỗ đã vào giai đoạn tăng tốc
Nhiều DN xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam đón thêm khách hàng mới tham gia ký kết hợp đồng ngay trong mùa dịch. Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, trong 7 tháng đầu năm 2020, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 6,09 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2019, cho thấy nỗ lực không nhỏ của các DN trong việc duy trì đơn hàng xuất khẩu.
Tiêu biểu như Công ty đồ gỗ Hiệp Long vẫn có đơn hàng khá tốt trong suốt thời gian qua. Ông Huỳnh Quang Thanh -Tổng giám đốc Công ty Hiệp Long, chia sẻ: Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, Công ty cũng phải thay đổi chiến lược tiếp thị, tăng cường đầu tư cho website của công ty và các kênh quảng cáo trực tuyến như Google Ads… Nhờ đó, từ đầu năm đến nay Hiệp Long đã thu hút được 3-4 khách hàng mới dịch chuyển đơn hàng từ Nhật qua.
Tương tự, Công ty ván sàn Sao Nam cũng không bị giảm sút hay mất đơn hàng do dịch. Theo bà Đỗ Thị Kim Loan -Tổng giám đốc Sao Nam, việc kết nối chặt chẽ với khách hàng đã giúp Sao Nam có được những thông tin thị trường tốt, kịp thời thích ứng với những thay đổi. Thậm chí, khi dịch bệnh có phần suy giảm, Sao Nam đã đón thêm khách hàng ở thị trường Úc.
Do dịch COVID-19, mọi hoạt động xúc tiến thương mại của Công ty mỹ thuật Hương Nga đều bị đình lại. Trước tình hình đó, Hương Nga đã sử dụng công cụ triển lãm trực tuyến, chỉ sau một tháng gửi link showroom 3D của Công ty trên nền tảng Hope cho khách hàng, Công ty đã lập tức ký được 2 đơn hàng xuất khẩu sang Anh và Đức. Với 2 đơn hàng này, Công ty có thể duy trì hoạt động kinh doanh cũng như công ăn việc làm cho nhân viên cho đến hết năm 2020.
Hope là nền tảng triển lãm trực tuyến được phát triển bởi Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), nhằm kết nối các DN trong lĩnh vực gỗ và nội thất Việt Nam với các khách hàng quốc tế. Hawa đã phát triển thành công nền tảng Hope chỉ trong vòng 4 tháng kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bắt đầu bùng phát nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp thị, giới thiệu sản phẩm của các DN trong bối cảnh các hoạt động triển lãm, hội chợ truyền thống đều bị hoãn lại do dịch bệnh.
Ông Nguyễn Thanh Phong -Phó chủ tịch Hawa, cho hay: Các DN gỗ đã bước đầu ghi nhận đơn hàng xuất khẩu từ tháng 7, chủ yếu nhờ các hoạt động xúc tiến và quảng bá trực tuyến. Thậm chí, một số sản phẩm phù hợp với nền tảng online còn ghi nhận sự tăng trưởng cao hơn hẳn so với giai đoạn trước dịch COVID-19.
Theo ông Phong, ghi nhận từ một số DN lớn, số hóa nhanh cho thấy doanh số không sụt giảm. Các DN gỗ cũng đánh giá, việc phát triển nền tảng Hope nói riêng cũng như các nền tảng triển lãm trực tuyến nói chung không chỉ là giải pháp trong thời gian dịch bệnh mà còn khởi đầu cho xu hướng chuyển đổi số của các DN trong tương lai.
Phạm Phù Cát -Theo TCV
Giữa đại dịch COVID-19: Doanh nghiệp chuyển hướng để tồn tại và phụng sự
Doanh nghiệp vừa và nhỏ kiệt sức trong COVID-19: Chật vật tìm sự trợ lực