Ngày 30/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định tiếp tục giảm các loại lãi suất điều hành để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế với thời điểm hiệu lực là từ ngày 1/10/2020. Đây là lần thứ ba trong năm nay NHNN thực hiện giảm lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 2,12%. Liệu thị trường có hấp thụ tin tốt này?
Vay vốn mới: Nhu cầu chưa nhiều
Từ 1/10/2020, giảm lãi suất tái cấp vốn từ 4,5%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,0%/năm xuống 2,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm.
Lãi suất chào mua giấy tờ có giá thông qua nghiệp vụ thị trường mở được giảm từ 3,0%/năm xuống 2,5%/năm. Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 4,25%/năm xuống 4,0%/năm…
Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5,0%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm.
Khi lãi suất giảm thì cầu tín dụng sẽ tăng, nhưng trên thực tế do COVID-19 đã khiến quy luật này không diễn ra. Theo công bố của NHNN, đến hết tháng 9/2020, huy động vốn tăng 7,7% nhưng tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 6,09% (cùng kỳ năm 2019 là 8,51%), dù trần lãi suất cho vay trước đó đã giảm trong tháng 5 và tháng 3 với tổng mức giảm 1%.
Theo thống kê của Chứng khoán SSI, trong 9 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của nhóm DN trong 5 lĩnh vực ưu tiên chỉ dao động trong khoảng 3 – 4%, thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng trung bình toàn ngành là 5%.
Về tác động của việc giảm lãi suất điều hành từ ngày 1/10 vừa qua của NHNN, các chuyên gia cho rằng, lãi suất giảm chỉ áp dụng cho các khoản giải ngân mới hoặc khoản vay đến kỳ điều chỉnh lãi suất, nên số dư nợ được điều chỉnh giảm lãi suất trong quý IV/2020 dự kiến không lớn.
Trong một diễn đàn của ngành ngân hàng vừa được diễn ra, bà Phạm Thị Trung Hà -Phó tổng giám đốc MB, cho hay: Trong quá trình tiếp xúc với DN, chúng tôi nhận thấy chủ DN còn suy nghĩ thận trọng hơn cả ngân hàng. DN luôn tính toán phải đầu tư vào đâu, khi nào đi vay, vay bao nhiêu tiền?
Giãn-hoãn nợ: Chiếc phao cứu sinh
Nhiều DN cho biết, thời gian tới sẽ đẩy mạnh bán hàng tồn kho để thu hồi vốn và chỉ có nhu cầu được giãn nợ, giảm lãi suất cho các khoản vay hiện hữu hơn là vay mới. Lãnh đạo MB thông tin: Giải pháp giãn-hoãn nợ theo Thông 01/2020/TT-NHNN thời gian qua rất hiệu quả với DN. Tại MB, nhiều khách hàng được giảm lãi suất, giãn, hoãn nợ đã bắt đầu trả được nợ từ quý II và quý III/2020 mà không cần chờ tới năm sau.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc các ngân hàng giảm lãi suất cho vay hiện nay một phần cũng do thanh khoản đang dư thừa. Vốn nhàn rỗi nhiều khiến các tổ chức tín dụng tăng chi phí, phải lo bù đắp từ các nguồn thu khác. Tuy nhiên, điều này là rất khó, bởi thu nhập từ hoạt động phi tín dụng hiện vẫn khá thấp, chỉ khoảng 30%/tổng nguồn thu của ngân hàng. Các tổ chức tín dụng đang ở thế khó khi tín dụng tăng trưởng thấp nhưng tỷ lệ nợ xấu tăng và có nguy cơ còn tăng cao hơn nữa trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Biên -Giám đốc Công ty TNHH xuất khẩu Hoàng Hà, cho biết: Dịch bệnh hiện nay đã được kiểm soát tốt tại Việt Nam, một số nước trên thế giới đã mở cửa giao thương. Vì vậy, trong những tháng cuối năm, DN sẽ đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa còn tồn đọng, nhằm thu hồi vốn và trả nợ ngân hàng. Với mức lãi vay kỳ hạn dài từ 9-11%/năm là khá cao, nên công ty sẽ không vay mới, mà tập trung giải quyết hàng tồn kho. Bên cạnh đó, chúng tôi kiến nghị ngân hàng giãn nợ, giảm lãi suất cho các khoản vay hiện hữu.
Cùng chung quan điểm, ông Phạm Văn Việt -Tổng giám đốc Việt Thắng Jeans, kiến nghị: Ngân hàng cần kéo dài thời gian giãn, hoãn nợ cho DN. Các dự báo cho thấy, ảnh hưởng của dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài trong 6-12 tháng, sau đó DN mới có khả năng phục hồi, trong khi Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định chỉ giãn nợ trong 12 tháng. Về thanh toán nợ cần giãn thời hạn, điều chỉnh thời gian trả nợ lên 24 tháng, tạo điều kiện cơ cấu nợ.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cũng nhận định, khó khăn do dịch COVID-19 sẽ còn kéo dài, có thể tới hết năm 2021. Chính vì vậy, việc kéo dài thời hạn giãn-hoãn nợ, miễn-giảm lãi và phí, giữ nguyên nhóm nợ là rất cần thiết.
Giải pháp tổng thể từ góc nhìn của chuyên gia
TS.Cấn Văn Lực -Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV: Bên cạnh hỗ trợ về lãi suất, nền kinh tế cần có sự đồng bộ từ nhiều yếu tố khác. Ví dụ như đảm bảo kiểm soát tốt dịch bệnh, cải thiện môi trường kinh doanh trong khu vực kinh tế tư nhân và FDI, cũng như các gói hỗ trợ an sinh xã hội để kích cầu tiêu dùng từ người dân và tăng sức cầu vốn cho DN. Lãi suất không phải là tất cả, vì vấn đề lớn nhất hiện nay là sức cầu vốn của nền kinh tế đang yếu. Do đó, phải có sự kết hợp giữa nhiều chính sách tài khóa, tiền tệ khác nhau trong dài hạn.
-Ông Nicolas Audier -Chủ tịch EuroCham: Cuộc khảo sát của EuroCham cho thấy, hơn 1/4 DN châu Âu đã được hưởng lợi từ việc hoãn thuế, trong khi khoảng 1/5 được hưởng lợi từ việc giảm tiền thuê đất và tạm ngừng đóng bảo hiểm xã hội. Hơn 50% DN cho rằng, việc giảm các loại thuế như thu nhập DN, thu nhập cá nhân và giá trị gia tăng sẽ giúp họ hồi phục mạnh mẽ hơn từ cuộc khủng hoảng.
Việt Nam cũng có một lợi thế quan trọng so với các nước khác trong khu vực, đó là việc thực hiện Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8. Trong một thế giới mà các hoạt động kinh doanh đầy biến động và tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang bị đe dọa, EVFTA sẽ giúp khởi động thương mại và đầu tư giữa hai bên. Điều này sẽ tạo ra động lực lớn hơn nữa cho nhà đầu tư châu Âu giao thương với Việt Nam và cho các công ty Việt Nam xuất khẩu nhiều hàng hóa hơn sang EU.
-Ông Takeo Nakajima -Trưởng đại diện JETRO Hà Nội: Khảo sát của JETRO trong tháng 6 với hơn 600 DN Nhật tại Việt Nam cho thấy 65% DN có phản hồi rằng, doanh thu năm 2020 sẽ giảm so với năm 2019 mặc dù các hoạt động sản xuất tại Việt Nam cũng đang được tái khởi động, nhưng các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đã bị tác động rất nặng nề của dịch bệnh.
Trong tổng số 30 DN Nhật Bản được lựa chọn hỗ trợ mở rộng sản xuất và đa dạng hóa chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang ASEAN của Bộ Kinh tế-Thương mại-Công nghiệp Nhật Bản (METI) mới đây, có tới 15 DN lựa chọn đăng ký mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, các công ty Nhật Bản vẫn gặp trở ngại tại Việt Nam. Hơn 60% số DN được hỏi cho biết, chi phí nhân sự tăng là một rủi ro nghiêm trọng đối với họ, 43% cho rằng các quy định và việc thực thi pháp luật không rõ ràng và 39% cho rằng tỷ lệ nhân viên nghỉ việc cao là những rủi ro lớn cho DN Nhật. Đó là điều cần khắc phục.
-Ông Jacques Morisset -Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới: Kinh tế Việt Nam đã bị tổn thương trong những tháng gần đây, GDP tăng chỉ 0,4% trong quý II/2020 -mức tăng thấp nhất trong 35 năm qua. Từ góc độ việc làm và thu nhập thì ảnh hưởng tiêu cực còn lớn hơn, hơn 30 triệu lao động Việt Nam -xấp xỉ một nửa lực lượng lao động, bị ảnh hưởng trong đợt cao điểm giãn cách xã hội.
Tác động tài khóa theo hướng tiêu cực sẽ tăng lên trong những tháng tới. Về thu ngân sách, số thu từ thuế sẽ suy giảm do hoạt động kinh tế suy giảm và việc thực hiện các biện pháp giãn thuế dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài đến cuối năm. Về mặt chi tiêu, tổng chi ước tính đã tăng khoảng 9,5% trong khoảng thời gian nửa đầu năm 2020 so với 2019. Mức tăng này là do chi tiêu liên quan đến Covid-19 kết hợp với nỗ lực lớn nhằm đẩy nhanh giải ngân chương trình đầu tư công. Chính phủ cần sớm thực hiện các biện pháp phòng ngừa để chuẩn bị cho khả năng suy thoái cán cân tài khóa trong những tháng tới.
Phạm Phù Cát -Theo TCV
Kinh tế thế giới trì trệ sau đại dịch: Cơ hội để Việt Nam bức tốc vươn lên?