Về trang chủ Tài chính Ngân hàng xử lý nợ xấu: Vỡ trận do đại dịch và tín hiệu đáng sợ

Ngân hàng xử lý nợ xấu: Vỡ trận do đại dịch và tín hiệu đáng sợ

Đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 (gọi tắt là Đề án) đang tiến triển tốt, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng đã được kiểm soát, duy trì ở mức dưới 3% và giảm liên tục qua các năm: Cuối năm 2016 về 2,46%; tháng 8/2017: 2,45%; cuối năm 2017: 1,99%; cuối năm 2018: 1,9%; cuối năm 2019: 1,63%. Thế nhưng đại dịch COVID-19 ập đến đã phá vỡ tất cả.

Nợ xấu tăng cao
Báo cáo tài chính quý II/2020 vừa được một vài ngân hàng thương mại công bố cho thấy, nhiều con số tăng trưởng theo chiều hướng đáng lo ngại liên quan đến tốc độ gia tăng các nhóm nợ xấu và nguồn tiền mà các ngân hàng phải sử dụng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Tính đến thời điểm cuối tháng 7/2020, có đến 6 ngân hàng ghi nhận tốc độ tăng trưởng nợ xấu theo chiều đi lên trong 6 tháng đầu năm, với mức tăng ở một số nhóm nợ lên tới gần 80%.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank): Báo cáo tài chính quý II cho thấy tổng số dư các nhóm nợ xấu vào ngày 30/6/2020 leo lên 1.476,7 tỷ đồng, tăng gần 19,6% so với con số 1.234,9 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2019. Trong số này, nợ xấu ở nhóm nợ dưới tiêu chuẩn có mức tăng lớn nhất tới trên 47,2% chỉ sau 6 tháng đầu năm. Số dư nợ xấu tăng lên buộc TPBank cũng phải liên tục gia tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong 2 quý đầu năm nay, lần lượt là hơn 324 tỷ đồng trong quý I/2020, và 441,6 tỷ đồng trong quý II/2020.

Báo cáo tài chính của các ngân hàng kỳ 6 tháng đầu năm 2020 cho thấy xu hướng nợ xấu tăng trở lại. (Ảnh minh họa)

Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB): Báo cáo tài chính quý II/2020 của VIB cho thấy tổng số dư các nhóm nợ xấu tăng tới 27,6% so với cuối năm 2019, lên 3.267,2 tỷ đồng với thực tế cả 3 nhóm nợ xấu đều có mức tăng mạnh. Đáng chú ý nhất là nợ xấu ở nhóm dưới tiêu chuẩn có mức tăng tới 79,6%, và nợ nghi ngờ cũng tăng hơn 49,2% trong khi dù có mức tăng thấp nhất 12,6%, số dư nợ xấu tuyệt đối ở nhóm có khả năng mất vốn lại tăng lên tới 1.979 tỷ đồng, chiếm phần lớn trong tổng số dư nợ xấu của VIB. VIB phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hơn 421 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng hơn 31,7% so với cùng kỳ 2019.

Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank): 6 tháng đầu năm ghi nhận tổng số dư nợ xấu tăng thêm gần 500 tỷ đồng, tương đương 23,4%, lên hơn 2.506 tỷ đồng với mức tăng xuất hiện lần lượt ở cả 3 nhóm nợ xấu và nhiều nhất ở nhóm nợ có khả năng mất vốn. Cụ thể, trong lúc các nhóm nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ có tổng mức tăng chỉ khoảng 164 tỷ đồng, nhóm nợ có khả năng mất vốn tại LienVietPostBank tăng thêm hơn 312 tỷ đồng chỉ sau vài tháng, và đưa tổng số dư nợ có khả năng mất vốn tại ngân hàng này lên con số trên 1.738 tỷ đồng.

Chất lượng tín dụng suy giảm
Gần 3 năm qua, mục tiêu xóa nợ xấu của ngành ngân hàng đang gần chạm đích thì dịch Covid-19 bùng phát ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, kéo theo việc xử lý nợ xấu đột ngột bị vỡ trận. Theo Đề án, toàn ngành ngân hàng có mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém đã được Chính phủ phê duyệt phương án xử lý).

Chỉ sau gần 3 năm thực hiện Đề án, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng trong giai đoạn 2016-2020 đã được kiểm soát, duy trì ở mức dưới 3% và giảm liên tục qua các năm: Cuối năm 2016 về 2,46%; tháng 8/2017 là 2,45%; cuối năm 2017 là 1,99%; cuối năm 2018 là 1,9%; cuối năm 2019 chỉ còn 1,63%. Trung bình mỗi tháng, hệ thống ngân hàng xử lý được khoảng 7.000 tỷ đồng nợ xấu, trước đó là 3.600 tỷ đồng.

Ngoài ra, việc xử lý nợ xấu tại VAMC cũng có những tiến triển rõ rệt. Theo thống kê của VAMC, trong tổng số hơn 20 ngân hàng từng bán nợ cho cơ quan này, hiện có 17 ngân hàng đã mua toàn bộ nợ xấu đã bán trước đây. Ông Nguyễn Tiến Đông -Chủ tịch VAMC, cho biết gần 3 năm qua, tổng nợ xấu VAMC đã xử lý gấp 2 lần từ ngày thành lập và tốc độ xử lý gấp 1,5 lần.

Báo cáo tài chính của các ngân hàng kỳ 6 tháng đầu năm 2020 cho thấy xu hướng nợ xấu tăng trở lại. PGS.Đỗ Hoài Linh -Viện Ngân hàng-Tài chính, Đại học kinh tế Quốc Dân, đánh giá: Khả năng ngành ngân hàng hoàn thành mục tiêu đưa tổng nợ xấu về dưới 3% vào cuối năm 2020 là không khả thi. Dự báo tỷ lệ nợ xấu cả năm 2020 sẽ quanh mức 4%.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến thời điểm 31/5, nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng tăng 16,3% so với cuối năm 2019. Tương ứng với tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 1,86%, tăng 0,23 điểm phần trăm so với cuối năm trước (1,63%).Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến việc xử lý nợ xấu theo Đề án. NHNN đánh giá chất lượng tín dụng toàn ngành có xu hướng suy giảm, nợ xấu đang gia tăng nhanh trong 5 tháng đầu năm 2020, trích lập dự phòng tăng, có thể tác động mạnh đến kết quả hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng trong năm 2020.

Ngân hàng bán ôtô thế chấp, tín hiệu đáng sợ?
Trước những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh, mặc dù nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế, nhưng hiện vẫn chưa thể xác định chính xác thời điểm phục hồi kinh tế toàn cầu, các tổ chức quốc tế tiếp tục điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài vùng ảnh hưởng này.

Ô.Nguyễn Tiến Đông cho biết, thời gian vừa qua, Chính phủ và các ngân hàng đã có nhiều động thái tháo gỡ, gia hạn nợ, miễn giảm lãi hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường, nền kinh tế thế giới và trong nước không phục hồi thì chắc chắn nợ xấu sẽ tăng lên.

Theo Ô.Phạm Toàn Vượng -Phó tổng giám đốc Agribank, nợ xấu bị tác động không phải là trước mắt, mà sẽ nhìn thấy rõ rệt khi kết thúc dịch, nhất là cuối năm 2021. Đây là bài toán nan giải cho hệ thống ngân hàng. Thời gian gần đây, các ngân hàng đang rao bán hàng loạt tài sản thế chấp là ô tô, điều ít xảy ra trước đây, bởi ngân hàng chủ yếu bán tài sản thế chấp có giá trị lớn là các dự án bất động sản, nhà máy, kho xưởng… đã cho thấy quá trình trả nợ và thu hồi nợ của các ngân hàng đang trở nên khó khăn.

Nguy cơ nợ xấu tăng cao trong năm nay là điều đã được nhiều chuyên gia cảnh báo. Và trên thực tế, ước tính gần đây nhất của NHNN thì đã có đến 2 triệu dư nợ cho vay bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chiếm đến 23% tổng tín dụng của toàn hệ thống. Theo ước tính của NHNN dựa trên các kịch bản tăng trưởng GDP năm 2020 khoảng 4%, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ước tính đến cuối năm 2020 ở mức 2,41% (tăng 0,78 điểm phần trăm so với cuối năm 2019). Trong trường hợp GDP tăng khoảng 5%, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ước tính đến cuối năm 2020 sẽ ở mức 2,16% (tăng 0,5 điểm phần trăm so với cuối năm 2019).
Phạm Phù Cát -Theo TCV

Hàng Việt: Chiếm lĩnh sân nhà, chuẩn bị tâm thế để vươn ra thế giới

Kinh doanh trì trệ do COVID-19: Doanh nghiệp phá thế bế tắc bằng công nghệ 4.0

Có thể bạn quan tâm