Về trang chủ Kinh doanh Thương trường Ngành du lịch trước cơn bão COVID-19 lần 2: Liên kết để không bị bẻ gãy

Ngành du lịch trước cơn bão COVID-19 lần 2: Liên kết để không bị bẻ gãy

Các nhà đầu tư dịch vụ du lịch, các doanh nghiệp (DN) lữ hành, các hãng hàng không, và lãnh đạo ngành cùng quan điểm rằng: Để không bị đổ vỡ hàng loạt, thời gian tới cần liên kết hành động chuẩn bị cho đợt khôi phục một khi đại dịch qua đi.

Bão COVID-19 cuốn phăng hàng ngàn tour du lịch
Theo Sở Du lịch TP.HCM, từ khi dịch COVID-19 lần 2 bắt đầu, đến nay đã có hơn 35.000 chương trình du lịch gồm tour trọn gói, tour tự chọn, dịch vụ khách sạn, vé máy bay, điểm tham quan… của các DN bị hủy, hoãn. Trong đó, Vietravel chỉ trong hai ngày 26 và 27/7/2020 đã hủy gần 21.000 chương trình với doanh thu dự kiến là 88,6 tỷ đồng, Saigontourist với hơn 10.000 chương trình bị hủy… Các DN như Bến Thành Tourist, Fiditour, Hòa Bình, TST, Đất Việt… cũng bị hủy từ 5.000 chương trình trở lên.

Doanh thu ngành du lịch TP.HCM bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi COVID-19. Tính đến tháng 7/2020, khách du lịch đến TP.HCM chỉ đạt 9,4 triệu lượt, giảm 54,7% so với cùng kỳ năm 2019, doanh thu đạt hơn 34.000 t đồng, giảm 49,6% so với cùng kỳ năm trước. Khách du lịch quốc tế đến thành phố chỉ đạt 1,3 triệu lượt, giảm 70% so với năm trước.

Hình ảnh tươi vui này của ngành du lịch đã không còn nữa từ khi dịch bệnh quay lại.

Tương tự, doanh thu du lịch lữ hành 7 tháng đầu năm của Đà Nẵng đã giảm đến 58,6% so với cùng kỳ năm 2019. Sự bùng phát bất ngờ của dịch COVID-19 tại thành phố này, vốn đang trong mùa cao điểm du lịch một lần nữa khiến các hoạt động bị tê liệt, các kế hoạch kích cầu, lễ hội trong thời gian tới đều bị tạm hoãn hoặc hủy bỏ.

Theo Tổng cục Thống kê, 7 tháng qua, doanh thu dịch vụ lữ hành ước tính đạt 11,1 nghìn tỷ đồng, giảm 55,4% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu mảng dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt gần 281 nghìn tỷ đồng, giảm 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Vận tải hàng không chỉ đạt 20,8 triệu lượt khách, giảm 35,8% so với cùng kỳ. Một số địa phương có thế mạnh về du lịch như Khánh Hòa, TP.HCM, Vũng Tàu, Cần Thơ, Quảng Ninh sụt giảm từ 50-70%.

Chủ động ứng phó
Trong bối cảnh dịch bệnh trở lại, hầu hết các đơn vị lữ hành đều cam kết với khách hàng dù hoãn tour đến thời điểm khác cũng đảm bảo không phát sinh chi phí. Tùy hợp đồng, các đơn vị sẽ có ưu đãi khác nhau nhưng đều đang rất nỗ lực để giữ chân và chăm sóc khách bằng nhiều cách.

Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng: Phần lớn DN du lịch trong nước là vừa và nhỏ, sau đợt dịch đầu nhiều đơn vị đã bị kiệt quệ. Khi dịch bùng phát trở lại, vấn đề quan trọng là làm sao giữ cho số DN này không bị khai tử trước khi dịch được kiểm soát và phục hồi lại lần nữa.

Đợt kích cầu vừa qua, các DN lữ hành, khách sạn đã liên kết giảm giá dịch vụ sâu nhất có thể, nhờ đó khách hàng cũng được hưởng lợi. Song, nguồn thu sau chương trình kích cầu mới chỉ đủ giúp khởi động và duy trì lại bộ máy DN, chứ chưa kịp thu lợi nhuận.

Do đó, theo ông Bình lúc sóng gió này rất cần cả 2 phía là người đi du lịch và người làm du lịch cùng chia sẻ khó khăn: Khách hàng cảm thông cho DN, ngược lại DN lữ hành cũng cần cam kết rõ ràng thời gian hoàn, hủy, đảm bảo lợi ích cho khách. Các DN du lịch cũng cần hỗ trợ nhau vượt bão.

Đại diện Vietnam Airlines, bà Nguyễn Hồng Nga chia sẻ: Dịch bệnh COVID-19 xảy ra lần này, hãng đã có kinh nghiệm xử lý nên nhanh chóng có chính sách cho phép đổi/hoàn vé, đổi hành trình tùy từng loại vé, bảo lưu tiền cọc đến hết tháng 6/2021. Sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, chúng tôi sẽ có kịch bản kích cầu lần 2. Vấn đề cần hỗ trợ là sự định hướng của Tổng cục Du lịch, Hiệp hội du lịch Việt Nam để Vietnam Airlines xây dựng nhiều kịch bản kích cầu đến năm 2021.

Cho rằng thời điểm này tất cả đều gặp khó khăn và cần hỗ trợ nhưng Phó tổng giám đốc Vietjet Air Đinh Việt Phương khẳng định: Vietjet Air vẫn cố gắng đảm bảo quyền lợi cho các hãng lữ hành, bảo lưu vé trong 180 ngày và nghiên cứu để có thời gian dài hơn, tạo thuận lợi cho DN lữ hành hoạt động.

Chuẩn bị thế nào để vươn khơi sau bão
Ứng phó trong tình hình dịch bệnh, gần 200 CEO của các DN, đơn vị lữ hành (Sun Group, Hanoitourist, AZA Travel, Hanoitourism, Evivatour, Travelogy, Threeland Travel…) đã lập ra từng nhóm trên Facebook để kết nối và trao đổi các vấn đề liên quan đến xây dựng sản phẩm, marketing, truyền thông, cung cấp dịch vụ, khách sạn, tàu lưu trú du lịch, vé máy bay, homestay…; thống nhất giá và cùng bán sản phẩm.

Những nhóm này sẽ cùng nhau đẩy mạnh chất lượng dịch vụ, chia sẻ nguồn lực để giảm chi phí đến mức thấp nhất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển bền vững cho cộng đồng DN du lịch. Cùng hướng đến lợi ích thiết thực nhất của việc liên kết là chia sẻ lợi ích, cạnh tranh bằng chất lượng và tương trợ nhau vượt bão COVID-19.

Sở Du lịch TP.HCM cho biết sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình thiệt hại do ảnh hưởng dịch bệnh của các DN trong ngành và đề xuất UBND TP.HCM giải pháp tháo gỡ khó khăn. Các nhóm giải pháp được tập trung như đề nghị giãn thuế, giảm thời hạn thực hiện nghĩa vụ thuế, cho phép nộp chậm các loại thuế. Cùng với đó, Sở sẽ đề nghị Ngân hàng Nhà nước khẩn trương thực hiện biện pháp hỗ trợ DN, đặc biệt với DN trong lĩnh vực du lịch. Sở cũng nghiên cứu kịch bản để kịp thời chuẩn bị khôi phục du lịch sau khi dịch được kiểm soát tốt và có giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN du lịch, cơ sở lưu trú, vận chuyển, mua sắm, ẩm thực… phục hồi.

Trong các cuộc họp gần đây, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm nhấn mạnh: Từ nay đến hết năm 2020, Thành phố sẽ tập trung vào việc hỗ trợ DN du lịch, chuẩn bị triển khai chương trình kích cầu du lịch, kế hoạch tăng cường xúc tiến du lịch, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm du lịch. Đồng thời, thúc đẩy liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa thành phố với 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Đông Nam Bộ, hướng tới hợp tác với các tỉnh Trung Bộ và Bắc Bộ.

Ô.Nguyễn Trùng Khánh -Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nhận định: Dịch COVID-19 tác động lớn đến du lịch, tín hiệu rất đáng mừng lần này là ngành du lịch đã chủ động đối phó dịch, có kịch bản phục hồi. Tổng cục Du lịch sẽ tham mưu với Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch kiến nghị Chính phủ tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ cho DN, trong đó tập trung chính sách tạo điều kiện cho DN vay ưu đãi gói 62.000 tỷ đồng, gia hạn thuế VAT, thuế thu nhập DN, tiền thuê đất… giảm tiền điện cho các cơ sở lưu trú.
Phạm Phù Cát -Theo TCV

Mua nhà ở: Khách hàng cần lưu ý điều gì về việc bảo hành công trình

Thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2017-2020 đạt 26,4%: Khối lượng công việc còn quá nhiều


Có thể bạn quan tâm