Về trang chủ Tài chính Tài chính số: Cơ hội vượt qua đại dịch và hội nhập quốc tế

Tài chính số: Cơ hội vượt qua đại dịch và hội nhập quốc tế

Theo báo cáo do Lực lượng đặc trách về tài chính số của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres công bố cuối tháng 8/2020, tài chính số đã trở thành phao cứu sinh trong cuộc khủng hoảng toàn cầu do dịch COVID-19 gây ra.

Đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững
Lực lượng đặc trách tài chính số do Tổng thư ký Liên hợp quốc thành lập vào năm 2018, bao gồm các nhân vật cấp cao trong lĩnh vực công nghệ, tổ chức tài chính, chính phủ và các cơ quan Liên hợp quốc. Nhiệm vụ chính của nhóm này là nâng cao hiểu biết về các lợi ích/nguy cơ trong lĩnh vực tài chính số và công nghệ tài chính đang phát triển nhanh chóng.

Báo cáo nêu trên nhận định: Cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội chưa từng có tiền lệ do đại dịch COVID-19 gây ra đã làm nổi bật vai trò của tài chính số trong hoạt động cứu trợ cho hàng tỷ người dân trên khắp thế giới, hỗ trợ doanh nghiệp, bảo vệ việc làm và sinh kế của người dân.

Ngành ngân hàng Việt Nam đã và đang đầu tư rất lớn cho công nghệ số để đi tắt, đón đầu những xu hướng mới của ngành tài chính quốc tế.

Công nghệ thanh toán bằng di động đã biến chiếc điện thoại thành công cụ tài chính cho hơn 1 tỷ người. Lực lượng đặc trách về tài chính số của Liên hợp quốc đã xác định 5 cơ hội giúp khai thác quá trình số hóa, song song với hỗ trợ tài chính cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) bao gồm:

1/Thúc đẩy lưu thông vốn thông qua các thị trường vốn toàn cầu nhằm đáp ứng các mục tiêu SDG; 2/Tăng hiệu quả và tính minh bạch của tài chính công; 3/Kết nối các khoản tiền tiết kiệm được tích lũy trực tuyến trong nước thành nguồn tài chính để phát triển dài hạn; 4/Phổ biến cho người dân về cách thức kết nối chi tiêu với SDG; 5/Thúc đẩy nguồn tài chính cho lao động, các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tổng giám đốc Chương trình phát triển của Liên hợp quốc kiêm Chủ tịch Lực lượng đặc trách về tài chính số Achim Steiner đánh giá: Đại dịch COVID-19 đang hé lộ các tiềm năng của tài chính số. Xu hướng số hóa cho phép chính phủ hỗ trợ những người thực sự cần, thiết lập các công cụ cho vay dựa trên thuật toán để các doanh nghiệp nhỏ có thể tiếp cận vốn nhanh hơn.

Ngân hàng Việt đầu tư lớn cho công nghệ số
Trên thực tế, ngành ngân hàng Việt Nam đã và đang đầu tư rất lớn cho công nghệ số để đi tắt, đón đầu những xu hướng mới của ngành tài chính quốc tế. Mặc dù những tháng đầu năm 2020, cả nền kinh tế gặp khó khăn do dịch COVID-19, nhưng theo khảo sát của Vietnam Report, 100% ngân hàng tham gia khảo sát phản hồi đã đầu tư đổi mới công nghệ và phát triển kênh bán hàng qua công nghệ số, trong khi con số này trong lần khảo sát của năm 2018 chỉ là 93%. Ngoài ra, 83,33% ngân hàng cho biết đang số hóa các nghiệp vụ lõi của ngân hàng. Điều này giúp vượt qua đại dịch và hội nhập quốc tế, đón nhận cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do.

Các chuyên gia đánh giá, việc thực thi Hiệp định EVFTA nói riêng và các hiệp định thương mại tự do nói chung sẽ tác động tích cực đến ngành tài chính-ngân hàng cả trực tiếp và gián tiếp. Về gián tiếp, EVFTA giúp đẩy mạnh xuất khẩu, từ đó tác động tích cực đến các ngành dịch vụ hỗ trợ, trong đó có lĩnh vực tài chính ngân hàng. Các ngân hàng Việt Nam có thể kết hợp với ngân hàng châu Âu để thực hiện dịch vụ cho khách hàng châu Âu, cũng như doanh nghiệp và người dân Việt Nam kinh doanh ở châu Âu.

Về tác động trực tiếp, EVFTA này đã đưa ra các cam kết về mở cửa thị trường với các dịch vụ tài chính mới, nên dự kiến có tác động mạnh mẽ và trực tiếp đến lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) và tiền di động (mobile money). Những thay đổi này của ngành ngân hàng không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước, mà còn là cách để nâng cao giá trị trong con mắt các nhà đầu tư.

Theo quy định, trong 5 năm đầu sau khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam cam kết sẽ xem xét cho phép các tổ chức tín dụng EU mua đến 49% cổ phần của 2 ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam (hiện nay tối đa là 30%). Chuyên gia kinh tế TS.Cấn Văn Lực cho rằng, khi có sự tham gia của các đối tác chiến lược EU, các ngân hàng trong nước sẽ được tiếp cận bộ máy quản trị và công nghệ hiện đại cũng như các sản phẩm tài chính-ngân hàng hiện đại, trong đó cốt lõi là tài chính số. Từ đó, các ngân hàng sẽ như được chắp thêm cánh cho sự phát triển bền vững.

Các ngân hàng trong cuộc đua hút vốn ngoại
Bà Nguyễn Anh Thơ -Phó tổng giám đốc Công ty tư vấn và kiểm toán Deloitte Việt Nam, cho rằng, để không bỏ lỡ cơ hội thu hút dòng vốn ngoại từ các nhà đầu tư EU, các ngân hàng Việt cần tăng cường đầu tư không chỉ nhằm tuân thủ chính sách, luật định, mà cần tập trung vào nâng cao năng lực quản trị rủi ro và quản trị vốn, cải thiện hiệu quả hoạt động.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, các cơ quan quản lý cũng cần nhận thức, nắm bắt được các quy định để tăng khả năng tận dụng, đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu thị trường tài chính-ngân hàng, lành mạnh hóa các tổ chức tài chính, đưa các chuẩn mực hoạt động theo thông lệ quốc tế. Đây sẽ là những nhiệm vụ phải thực hiện trong dài hạn, tốn thêm chi phí nhưng hết sức cần thiết để ngành ngân hàng tiến lên, góp phần quan trọng vào sự phát triển của cả nền kinh tế.

Thực tế, các ngân hàng châu Âu đã sớm đổ bộ vào Việt Nam như HSBC, Standard Chartered, Deutsche Bank… và cũng đã trở thành đối tác chiến lược với các ngân hàng trong nước. Theo TS.Cấn Văn Lực, các ngân hàng có thể phải đối diện với nguy cơ bị thôn tính, sáp nhập nếu quản trị không tốt, không có biện pháp phòng ngừa; chịu rủi ro pháp lý do kiện tụng, tranh chấp tăng lên; luồng vốn vào-ra lớn khiến thị trường vốn trong nước có thể biến động mạnh khi có hành vi rút vốn nhanh.

Những nhà đầu tư từ EU khi quyết định đổ vốn vào các ngân hàng Việt Nam sẽ có xu hướng chọn lọc rất khắt khe, tập trung vào những tiêu chí sau: Tính minh bạch cao; nền tảng quản trị rủi ro và quản trị vốn lành mạnh; tính sinh lợi ổn định, có thế mạnh nổi bật trong phân khúc khai thác như mảng khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển bền vững; văn hóa đa dạng và hòa nhập.
Phạm Phù Cát -Theo TCV

Tín dụng trì trệ: Ngân hàng tìm chỗ nào để rót tiền?

Giữa đại dịch COVID-19: Doanh nghiệp làm gì để thoát hiểm?

Có thể bạn quan tâm