Thị trường văn phòng cho thuê chưa kịp hồi phục thì làn sóng COVID-19 lần thứ hai ập đến bất ngờ khiến ngày càng khó khăn. Điểm tích cực là trong nhịp nghỉ này, người thuê có dịp đánh giá lại công tác tổ chức hoạt động kinh doanh, còn người cho thuê có dịp nhìn nhận lại loại hình kinh doanh này để có hướng phát triển phù hợp trong tương lai.
Thị trường châu Á ảm đạm
Theo Công ty tư vấn bất động sản Knight Frank (Anh Quốc), 70% thị trường cho thuê văn phòng ở châu Á-Thái Bình Dương đang giảm giá khi nhu cầu thuê suy giảm đáng kể do các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Cuộc khảo sát mà Knight Frank thực hiện với 150 công ty ở Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Indonesia, Singapore và Thái Lan cho thấy 28% công ty được hỏi cho biết họ có thể giảm diện tích văn phòng sử dụng.
Bất cứ giao dịch nào được tiến hành vào thời điểm hiện tại thường là gia hạn các hợp đồng cho thuê khi các bên triển khai chiến lược cho thuê linh động hơn để giữ chân các khách thuê hiện tại,hoặc thu hút khách thuê muốn tìm kiếm cơ hội tiết kiệm chi phí.
Công ty dịch vụ tư vấn bất động sản Cushman & Wakefield cho hay tỷ lệ còn trống ở các không gian văn phòng cao cấp tại Thượng Hải đạt mức cao kỷ lục 21% trong quý 1-2020. Tỷ lệ còn trống ở các cao ốc văn phòng, nơi có phần lớn khách thuê là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng vọt.
Tại Singapore, Cushman & Wakefield cho biết nhiều doanh nghiệp đã dừng các kế hoạch mở rộng, họ chọn phương án chờ đợi và quan sát. Giá thuê văn phòng cao cấp giảm mạnh trong quý 1/2020 với các địa điểm kinh doanh cốt lõi như Trung tâm tài chính Marina Bay và Raffles Place bị ảnh hưởng nặng nề. Giá thuê văn phòng cao cấp đối mặt với mức giảm lên đến 10% trong năm 2020, và có thể tiếp tục giảm trong năm 2021 do tác động từ suy thoái kinh tế toàn cầu.
Trong cuộc khảo sát 250 công ty cho thuê văn phòng ở châu Á-Thái Bình Dương của Công ty tư vấn bất động sản CBRE cho thấy 2/3 công ty được khảo sát cho biết họ trì hoãn các quyết định thuê mặt bằng vì đại dịch COVID-19. Các doanh nghiệp sẵn sàng đón nhận hình thức làm việc từ xa và không gian làm việc linh động, họ nhận ra rằng họ vẫn có thể duy trì hoạt động kinh doanh mà không cần đến không gian văn phòng.
Thị trường Việt Nam không ngoại lệ
Quý II/2020, thị trường văn phòng TP.HCM đã chứng kiến những phản ứng nhất định từ khách thuê, trong đó một số doanh nghiệp đã buộc phải trả lại một phần hoặc toàn bộ mặt bằng văn phòng. Ông Lê Trọng Hiếu -Giám đốc phụ trách cho thuê văn phòng và khu công nghiệp CBRE Việt Nam, cho biết: Trong quý II/2020, giá thuê trung bình của phân khúc hạng A giảm 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ trống tăng 9 điểm phần trăm, ở mức 11,8%. Giá thuê văn phòng hạng B đi ngang, chưa có xu hướng giảm và tỷ lệ trống tăng nhẹ.
Ô.Lê Tuấn Bình -Trưởng bộ phận cho thuê thương mại Savills Hà Nội, chia sẻ: Quý II/2020, giá thuê gộp trung bình giảm -1% theo quý, và -1% theo năm. Hạng A duy trì ổn định trong khi hạng B và C ghi nhận sụt giảm, chủ yếu tại các dự án có nhiều diện tích trống. Do các hợp đồng dài hạn đã được ký kết ở các quý trước, công suất thuê trung bình tăng nhẹ 1 điểm % theo quý và 1 điểm % theo năm.
Vị đại diện Savills cho hay, để giảm tỷ lệ trống, chủ nhà đưa ra các gói hỗ trợ bao gồm điều chỉnh giá thuê, các điều khoản thuê thuận lợi hơn, đàm phán lại các điều khoản thiết yếu. Trong khi các chủ tòa nhà hạng thấp nhanh chóng hành động, các chủ tòa nhà hạng cao xử lý tùy theo từng trường hợp. Do khoảng thời gian cách ly tương đối ngắn, cùng nhiều hỗ trợ của Chính phủ và chủ nhà, nên có ít hợp đồng thuê bị phá vỡ được ghi nhận.
Đại diện CBRE cũng nhìn nhận, trong quý II/2020, khi tiến hành giãn cách xã hội trên cả nước, đã xuất hiện sự chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau vượt khó khi chủ mặt bằng và khách thuê thống nhất chi trả chậm hay miễn tiền thuê, giảm phí dịch vụ. Trong thời điểm ấy, các khách thuê đang có xu hướng thu hẹp mặt bằng ở tòa nhà hiện tại để chuyển sang các tòa nhà phân khúc thấp hơn, ở vị trí rìa trung tâm hoặc ngoại vi thành phố nhằm tiết kiệm chi phí.
Định hình tương lai
Mô hình tổ chức văn phòng công ty có thể sẽ chứng kiến những thay đổi rất lớn sau khi đại dịch COVID-19 được khống chế. Các chuyên gia dự báo, một số công ty sẽ trở lại chế độ làm việc cũ, nhưng sẽ có một tỷ lệ nhất định tái cấu trúc văn phòng, cho phép nhiều nhân viên làm việc từ xa, một khi các nhà quản lý nhận thấy năng suất làm việc không giảm sút.
Theo báo cáo của JLL VIệt Nam, trong thời gian vừa qua, phân khúc văn phòng hạng A tại những vị trí trung tâm ở 2 thành phố lớn đang trong giai đoạn xây dựng có thời gian dự kiến hoàn thành vào năm 2020 sẽ phải trì hoãn tiến độ thi công. Những dự án này dự kiến sẽ được khánh thành vào năm 2021 -thời điểm dịch COVID-19 được dự báo gần như không còn tác động đối với thế giới.
Nhiều khách hàng đã có những bước đi đầu tiên đó là lựa chọn văn phòng phù hợp với đơn vị của mình sau thời gian biến cố với dịch bệnh. Những văn phòng nhỏ hay những văn phòng hạng C, hạng B đang được khách hàng lựa chọn nhiều hơn cả.
Ngày 3/3/2020, JPMorgan Chase cho phép hàng ngàn nhân viên ở Mỹ làm việc tại nhà. Twitter với 5.000 nhân viên cũng có động thái tương tự. Sony thì đóng cửa hoàn toàn một số văn phòng ở châu Âu, cho nhân viên làm việc từ xa. Tại Việt Nam, hàng triệu nhân viên văn phòng ở các đô thị đã làm việc tại nhà, và mọi thứ đang vận hành khá suôn sẻ.
Trong khi đó, chi phí thuê văn phòng làm việc không rẻ một chút nào. Giám đốc một công ty liên doanh có trụ sở tại quận 1-TP.HCM, cho biết: Chi phí phải trả cho việc thuê văn phòng hạng A của công ty lên tới khoảng 450 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm chi phí khác (diện tích cho thuê tối thiểu trong toà nhà này là 300m2). Tại Hà Nội, giá thuê văn phòng ở các toà nhà hạng A cũng lên đến trên dưới 1 triệu đồng/m2/ tháng. Đây là lúc phải xem xét lại khoản chi phí này.
Phạm Phú Cát -Theo TCV
Ngành du lịch trước cơn bão COVID-19 lần 2: Liên kết để không bị bẻ gãy
Mua nhà ở: Khách hàng cần lưu ý điều gì về việc bảo hành công trình