Theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg, giai đoạn 2017-2020 việc thoái vốn ở 348 doanh nghiệp (DN) phải được hoàn thành, tuy nhiên đến tháng 6/2020 chỉ thực hiện được tại 92 DN, đạt 26,4% kế hoạch. Làm thế nào để hoàn thành kế hoạch trong vài tháng còn lại của năm 2020?
Thủ tướng phát lệnh
Cuối tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 908/QĐ-TTg phê duyệt danh mục DN có vốn Nhà nước (DNNN) thực hiện thoái vốn trong năm 2020. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ được cho là có tác động tích cực đối với kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng trong tương lai của Chính phủ, khi mà ngân sách đã bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và được dự báo sẽ thâm hụt 5,76% trong năm nay.
Theo đó, trong 6 tháng cuối năm 2020 sẽ thoái vốn Nhà nước tại 138 DN. Nếu cộng thêm 85 DN thuộc danh sách thoái vốn của SCIC thì tổng số DN phải thoái vốn Nhà nước trong vòng 6 tháng cuối năm 2020 sẽ là hơn 220 DN. Trong báo cáo gần đây, CTCP chứng khoán TP.HCM-HSC cho rằng thoái vốn Nhà nước sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2020.
Ở góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, TS.Burkhard Schrage -Chủ nhiệm Bộ môn quản trị tại Đại học RMIT, nhận định: Quyết định này nhằm đẩy nhanh tiến độ thoái vốn tại các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ, từ đó thúc đẩy tái cơ cấu vốn Nhà nước trong các DNNN. Quyết định cũng sẽ giúp đảm bảo đủ nguồn thu cho kế hoạch đầu tư công trong giai đoạn 2016 – 2020.
Theo các chuyên gia, việc thúc đẩy thoái vốn DNNN trong nửa cuối năm 2020 sẽ tạo ra những cơ hội thú vị cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. Mặc dù thời điểm hiện tại có thể khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và những bất ổn toàn cầu khác, quyết định đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa (CPH) DNNN ngay thời điểm này là sáng suốt, giúp tăng tính minh bạch và giảm rủi ro đầu tư cho cổ đông thiểu số, từ đó giúp tăng niềm tin của các nhà đầu tư vào Việt Nam.
TS.Burkhard đề xuất một số biện pháp để Nhà nước có thể tối ưu hóa giá trị thoái vốn của các DNNN: Tăng tính minh bạch của quy trình tổng thể, áp dụng các cơ chế quản trị tiên tiến trên thế giới và chỉ định những tổ chức quốc tế có uy tín cho việc CPH. Nhà chức trách nên xem xét cắt bớt những tài sản có vấn đề tại mọi DN sẽ CPH. Chẳng hạn trong ngành ngân hàng, Chính phủ có thể tiếp quản danh mục nợ xấu trước khi thoái vốn, và chỉ CPH các tài sản có khả năng tạo ra thu nhập.
Truy tìm nguyên nhân
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2020 và triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ-Trưởng ban Chỉ đạo Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Đây là thời gian cuối cùng để thực hiện kế hoạch của giai đoạn 2016-2020. Các bộ ngành, tập đoàn, tổng công ty cần đẩy nhanh việc ban hành các cơ chế, chính sách cho giai đoạn tới, làm cơ sở cho việc xây dựng các kế hoạch cơ cấu lại, CPH, thoái vốn cho giai đoạn 2021-2025.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết từ năm 2016 đến tháng 6/2020, tổng số tiền thu từ CPH, thoái vốn đạt hơn 218.000 tỷ đồng, chậm so với kế hoạch. Theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg thì trong giai đoạn 2017-2020 việc thoái vốn ở 348 DN phải được hoàn thành, tuy nhiên đến tháng 6/2020 chỉ thực hiện được tại 92 DN, đạt 26,4% kế hoạch.
Về trách nhiệm của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Phó thủ tướng Thường trực yêu cầu: Tìm ra những vướng mắc, khó khăn và đưa ra giải pháp để đạt hiệu quả trong việc thực hiện vai trò chủ sở hữu Nhà nước tại DN; Các giải pháp thúc đẩy việc niêm yết trên thị trường chứng khoán của DN sau CPH và chuyển giao phần vốn Nhà nước tại DN về SCIC, tìm ra nguyên nhân dẫn đến việc niêm yết trên thị trường chứng khoán bị chậm.
Các bộ, ngành, địa phương và DN phản ánh còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai Nghị định 126/2017/NĐ-CP (về chuyển DN Nhà nước và công ty TNHH MTV do DN Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành CTCP), Nghị định 167/2017/NĐ-CP (quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công), và Nghị định 32/2018/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn Nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN).
Cụ thể, việc rà soát phương án sắp xếp, xử lý nhà đất, phê duyệt phương án sử dụng đất của DN thực hiện CPH gặp nhiều khó khăn; Nhiều quy trình, thủ tục, thời gian kéo dài do pháp lý đất đai phức tạp, một số nội dung chưa cụ thể, còn có cách hiểu khác nhau dẫn đến lúng túng, không thống nhất khi thực hiện, chậm được sửa đổi, bổ sung; Chưa có hướng dẫn về trình tự, thủ tục, nội dung, cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất mà DN CPH phải lập theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về CPH.
Đặc biệt, việc xác định lợi thế giá trị quyền sử dụng đất đối với đất thuê trả tiền hàng năm, định giá thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ, giá trị văn hóa, lịch sử… quy định tại Nghị định 32/NĐ-CP để xác định giá khởi điểm khi thoái vốn chưa có hướng dẫn cụ thể, cách hiểu còn khác nhau dẫn đến lúng túng, không thống nhất khi thực hiện.
Một số đơn vị đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định về thành lập, tổ chức lại DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và công ty TNHH MTV; Chuyển đổi sở hữu, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu và kiểm soát viên DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các DN Nhà nước.
Cả bộ máy phải nhập cuộc
Kết luận Hội nghị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên chủ yếu là do chậm sửa đổi quy định về CPH, thoái vốn. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong triển khai Luật Đất đai, Luật Quản lý sử dụng tài sản công chưa nghiêm túc, thường xuyên; Nhiều DN chỉ đến khi thực hiện CPH mới sắp xếp, xử lý đất đai, dẫn đến chậm tiến độ quá trình CPH.
Một số bộ, ngành, địa phương và DN Nhà nước chưa nghiêm túc, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện; Chưa chủ động theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ các vướng mắc bất cập; Chậm cho ý kiến hoặc ý kiến không rõ ràng đối với những vấn đề mà Văn phòng Chính phủ xin ý kiến để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cho những tháng cuối năm 2020, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành và DN cần phải nỗ lực phấn đấu cao nhất trong công tác sắp xếp, cơ cấu lại DN Nhà nước và phát triển DN; Đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch CPH, thoái vốn. Phó thủ tướng Thường trực yêu cầu:
Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ đề xuất xây dựng Nghị định về quản lý sử dụng nguồn thu từ CPH, thoái vốn Nhà nước tại DN, phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn thiện các nghị định khẩn trương trình Chính phủ ban hành.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục rà soát, đôn đốc việc niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán; Công bố công khai, xử lý trách nhiệm trong việc chậm, không thực hiện. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư năm 2020.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cần rà soát các quy định về đất đai trong CPH, thoái vốn để có hướng dẫn, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan nhằm tháo gỡ các vướng mắc khó khăn trong công tác này.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cần chỉ đạo các DN trực thuộc bảo đảm yêu cầu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu-kế hoạch sản xuất-kinh doanh; Chỉ đạo các DN thuộc phạm vi quản lý thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà-đất theo đúng quy định của pháp luật, đẩy nhanh tiến độ CPH các DN quy mô lớn trực thuộc.
Bên cạnh đó, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cần chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu việc xử lý tài chính, sắp xếp lại, xử lý nhà đất, phê duyệt phương án sử dụng đất của DN theo hướng giao một cơ quan phân loại đất đai thuộc sở hữu của các DN, đất nào không còn sử dụng cho mục đích sản xuất kinh doanh của DN thì tập trung hết về một đầu mối quản lý để có giải pháp quản lý và sử dụng hiệu quả.
Phạm Phù Cát -Theo TCV
Thủ tướng: EVFTA như tuyến đường cao tốc lớn nối gần EU với Việt Nam
EVFTA chính thức có hiệu lực: Khởi động hành trình trên những toa tàu hạnh phúc