Trung tuần tháng 5/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình, triển vọng và các giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài hậu Covid-19, thu hút các “đại bàng” đến làm tổ, trọng tâm là các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao… Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre 2017 ngày 20/7, thông điệp này đã được Thủ tướng nhắc lại: Muốn đón được đại bàng, cần tạo tổ đại bàng.
Bến Tre tạo tổ đại bàng với 6 điểm đột phá
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng khẳng định: Bến Tre phải là tỉnh giàu có và năng động của cả nước. Mục tiêu chiến lược hàng đầu của tỉnh là phải thu hút các nhà đầu tư đẳng cấp, có công nghệ, tư bản tài chính, trình độ quản lý và nhìn thấy trước cơ hội của mình gắn với các điều kiện độc đáo của Bến Tre.
Bến Tre muốn đón được đại bàng thì Bến Tre cần phải có tổ đại bàng. Theo đó, tổ đại bàng có 4 thành tố cần kiến tạo phát triển là quỹ đất, hạ tầng, hành động của chính quyền và nguồn nhân lực. Quê hương Đồng khởi thời chiến, cần làm một Đồng khởi của thời bình trong phát triển, thời toàn cầu hóa, thời của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bến Tre đã hội tụ đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để thu hút mạnh mẽ nguồn nhân lực đầu tư với 6 điểm đột phá:
Thứ nhất: Biến nguy thành cơ trong thích ứng biến đổi khí hậu bởi Bến Tre là một trong những địa phương chịu tổn thương nhất của biến đổi khí hậu.
Thứ hai: Phát triển kinh tế-xã hội Bến Tre dựa trên hệ thống sông và hướng biển. Vì vậy, đô thị sông ven biển là hướng đi mà nhiều thành phố trên thế giới có điều kiện tương đồng như Bến Tre đã thành công.
Thứ ba: Kết nối thành một điểm tụ của liên kết trục TP.HCM hướng tâm và của 4 tỉnh duyên hải, chia sẻ nguồn tài nguyên sông Tiền, sông Hậu.
Thứ tư: Xây dựng Bến Tre thành thủ phủ dừa của Việt Nam với công nghiệp chế biến dừa tầm cỡ khu vực, đem lại giá trị gia tăng cao. Cây dừa không chỉ là thế mạnh mà còn là lá chắn bảo vệ vùng đất Bến Tre trong điều kiện xâm nhập mặn nặng nề như hiện nay. Làm thế nào để cây dừa nuôi được người nông dân, làm giàu cho người nông dân.
Công nghệ chính là chìa khóa thay đổi tương lai. Cần đặt cây dừa ở một tầm nhìn mới về các ngành công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, khoa học đời sống, khoa học sức khỏe, khoa học môi trường như một đích đến cho khu vực kinh tế phát triển xung quanh dừa và sản phẩm từ dừa.
Thứ năm: Nâng cao chất lượng nuôi trồng chế biến thủy sản như tôm nước mặn, nước lợ, tôm thẻ chân trắng, tôm sú theo hướng công nghệ cao. Vùng biển Bến Tre phát hiện nhiều tôm he Nhật Bản, loại tôm có giá trị kinh tế cao gấp 6-8 lần tôm sú và tôm thẻ chân trắng và có nhu cầu lớn trên thị trường thế giới, đặc biệt ở Nhật Bản.
Thứ sáu: Phát triển du lịch dịch vụ. Với nhiều điểm du lịch hấp dẫn, đặc biệt là gần TP.HCM, Bến Tre nên tổ chức sắp xếp lại công tác du lịch theo hướng chuyên nghiệp hơn để khai thác được tiềm năng và lợi thế.
Vĩ mô -Gỡ nút thắt “rất tốt và rất chậm”
Từ những gợi ý của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về cách tạo tổ đại bàng cho Bến Tre, nhìn lại bối cảnh chung của cả nước để cùng hành động. Theo TS.Võ Trí Thành -Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nhìn lại giai đoạn 30 năm qua, Trung Quốc và Việt Nam là hai quốc gia có tốc độ tăng trưởng tốt nhất thế giới, nhưng nếu nhìn vào bảng đánh giá thể chế của Ngân hàng Thế giới đánh giá về các chỉ tiêu: Tham nhũng, trách nhiệm giải trình, chế tài thực thi… thì Trung Quốc và Việt Nam tiến rất chậm trong suốt 30 năm qua. Thể chế kém, tiến rất chậm nhưng tăng trưởng lại tốt, là vì sao?
Về dài hạn, thể chế vẫn sẽ quyết định đến tốc độ tăng trưởng. Có hai vấn đề về cải cách thể chế: một là tốc độ, hai là cơ chế đăc biệt. Trong thế giới ngày nay, không chỉ công nghệ mà mọi thứ đều nhanh, đều rủi ro nên cần phải tốc độ. Và để giải quyết vấn đề này thì cần cơ chế đặc biệt. Về phía Chính phủ, cần giải quyết những thứ tồn đọng như dự án thua lỗ, nợ xấu….
Phải xử lý bài toán hiện tại: Giữ được vĩ mô, chịu thâm hụt lớn, nợ công tăng, kiềm chế lạm phát nhưng vẫn phải bơm tiền để thúc đẩy tăng trưởng. Môi trường đầu tư kinh doanh vẫn là chìa khóa của cải cách. Đã đến lúc phải chuyển môi trường đầu tư kinh doanh sang thúc đẩy chứ không phải ngăn chặn. Ngăn chặn không bao giờ hết. Chúng ta cần tốc độ, đón đại bàng mà chậm thì thành đón chim sẻ.
Trong khi đó, lĩnh vực bất động sản là một điểm sáng. Ô.Stephen Wyatt -Tổng giám đốc JLL Việt Nam, thông tin: Việt Nam đã chuyển mình từ đất nước “kém minh bạch” sang “bán minh bạch” trong Bảng xếp hạng Chỉ số minh bạch bất động sản toàn cầu mới nhất của chúng tôi. Trong 10 năm qua, Việt Nam đã từng bước trở thành điểm đến hàng đầu cho ngành công nghiệp sản xuất tại Đông Nam Á và thu hút lượng vốn đầu tư nước ngoài đáng kể. Tuy vậy, Việt Nam sẽ cần tiếp tục cải thiện tăng thứ hạng nếu muốn thu hút thêm nguồn vốn ngoại.
Cũng tại Hội nghị đầu tư tại Bến Tre, Thú tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Chính phủ sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm môi trường hòa bình nhằm tạo điều kiện thuận lợi “đất lành chim đậu” cho các nhà đầu tư phát triển lâu dài tại Việt Nam.
Lao động lành nghề-năng suất lao động
Theo các chuyên gia, để đón được “đại bàng” và tận dụng làn sóng dịch chuyển dòng vốn ngoại trong lĩnh vực công nghệ hậu Covid-19 thì câu chuyện cơ sở hạ tầng tại Việt Nam đã sẵn sàng hay chưa? Có 2 vấn đề nút thắt cổ chai cần được tối ưu hóa.
Thứ nhất, các khu công nghệ ở Việt Nam chưa được khai thác đúng mức trên vốn đầu tư, còn có nhiều cơ sở bỏ hoang. Các công nghệ phụ trợ chỉ mới phù hợp chào đón các hãng vừa tầm và nhỏ.
Thứ hai, khả năng chuyên môn còn chưa vững, còn thiếu về cả chất và lượng. Giải pháp sâu xa không chỉ về mặt nâng cao tay nghề, mà còn về mặt tư duy của lao động Việt, thay đổi tư duy để đóng góp vào sự phát triển của các nhà đầu tư.
Bà Trần Thị Hồng Minh -Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho biết: “Đây là lúc chúng ta nhìn nhận lại những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế để có biện pháp tháo gỡ, qua đó đưa nền kinh tế phát triển. Có 3 điểm nghẽn chính là: Chất lượng thể chế, hạ tầng số và kỹ năng-năng suất lao động.
Theo TS. Burkhard Schrage -Chủ nhiệm bộ môn Quản trị thuộc Khoa Kinh doanh và Quản trị Đại học RMIT Việt Nam, với việc các nhà máy tự động hóa ngày càng trở nên hấp dẫn thì chi phí lao động không còn là yếu tố đáng kể, mà chính địa điểm và khả năng huy động lao động có tay nghề mới đóng vai trò lớn trong quy trình đưa ra quyết định của các nhà đầu tư nước ngoài.
Và để giải quyết được các vấn đề đã nêu cần sự phối hợp giữa Chính phủ và DN. Về phía các chính sách, Chính phủ nên bắt đầu với chương trình hợp tác công-tư (PPP) để tối ưu ngân sách quốc gia, sau đó là hỗ trợ các DN vừa và nhỏ bằng những biện pháp miễn giảm các loại thuế phí, ổn định giá điện nước đầu vào của DN, hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn hậu Covid-19.
Phạm Phù Cát -Theo TCV
Thủ tướng: Thành lập tổ công tác đặc biệt đón “đại bàng” đến Việt Nam