Tín dụng tăng trưởng chậm trong bối cảnh tình hình dịch bệnh phức tạp, nhiều doanh nghiệp chưa có nhu cầu vay vốn, trong khi hệ thống ngân hàng cũng không thể hạ chuẩn cho vay do lo ngại nợ xấu. Từ nay đến cuối năm, lĩnh vực nào là nơi đáng tin cậy để các ngân hàng có thể yên tâm mạnh tay rót vốn?
Kỳ vọng kinh tế hồi phục nhanh
Nhu cầu vay vốn yếu là lý do khiến tín dụng toàn ngành tăng trưởng thấp dù nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi được tung ra. Theo số liệu tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2020, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 3,65% so với cuối năm 2019, trong khi đó mức cùng kỳ năm trước đạt 7,33%, là mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Báo cáo gần đây của NHNN cho thấy, tín dụng chủ yếu tục tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên như: Tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 4,94%, tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 2,92%, tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 2,27%…
Ô.Nguyễn Đình Tùng -Tổng Giám đốc OCB, đánh giá: “Hy vọng kinh tế hồi phục nhanh dẫn đến nhu cầu vay vốn tăng theo. Có thể bước sang quý 4, tăng trưởng tín dụng sẽ bật lên. Tuy nhiên, tín dụng tăng không đều ở tất cả lĩnh vực mà ở một số ngành như sản xuất công nghiệp, phụ trợ….
Các chuyên gia cũng cho rằng, nhu cầu tín dụng vẫn ở mức thấp nửa cuối năm do nhiều doanh nghiệp quyết định tạm dừng mở rộng hoạt động kinh doanh trong bối cảnh đại dịch COVID-19 chưa được kiểm soát. Tín dụng cả năm 2020 dự báo tăng khoảng 8-9%.
Theo kết quả điều tra các tổ chức tín dụng (TCTD) của Vụ Dự báo thống kê (Ngân hàng Nhà nước), trong 6 tháng cuối năm 2020, 49% TCTD kỳ vọng xuất nhập khẩu sẽ là động lực tăng trưởng tín dụng của hệ thống, tiếp đến là bán buôn, bán lẻ (47%), dệt may (41%) và xây dựng (40%). Ngược lại, 4 lĩnh vực ít được kỳ vọng bao gồm thương mại và dịch vụ; nông, lâm nghiệp và thủy sản; cao su; đầu tư kinh doanh chứng khoán.
Đánh giá tổng thể trong cả năm, bán buôn-bán lẻ vẫn là lĩnh vực được nhiều TCTD dự báo là động lực tăng trưởng tín dụng nhất (46,9%), tiếp đến là xây dựng (43,9%), xuất nhập khẩu (41,8%), và dệt may (40,8%).
6 tháng đầu năm 2020, các TCTD đã đáp ứng nhu cầu vay vốn tổng thể của khách hàng ở mức độ cao hơn so với 6 tháng cuối năm 2019, với 88,7% TCTD cho biết đã đáp ứng từ 75-100% nhu cầu vay vốn, cao hơn tỷ lệ 84,3% của 6 tháng cuối năm 2019. Chỉ có 11,3% TCTD cho biết đáp ứng dưới 75% nhu cầu tín dụng của khách hàng trong 6 tháng đầu năm 2020.
Xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh
Mặc dù dịch COVID-19 đã quay lại từ cuối tháng 7/2020, song Chính phủ xác định “vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế”. Chính vì vậy, hệ thống ngân hàng phải sẵn sàng cung ứng vốn cho những phương án kinh doanh tốt đang cần vốn. Giới chuyên gia nhận định, nhu cầu tín dụng sẽ tăng nhanh hơn trong những tháng cuối năm, đặc biệt là tín dụng sẽ đổ mạnh vào các lĩnh vực đang phát triển tốt.
Việt Nam đang được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung khi một phần các đơn hàng xuất khẩu của Trung Quốc đã được chuyển sang các công ty của Việt Nam. Các mặt hàng ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu cao trong 7 tháng đầu năm 2020 bao gồm gạo (+14,0%), phân bón (+18,9%), máy tính (+26,7%), dây và cáp cách điện (+28,1%), máy móc và thiết bị (+30,0%), giấy và sản phẩm từ giấy (+32,4%), đồ chơi và dụng cụ thể thao (+71,4%).
Số liệu của Tổng cục Hải Quan cho thấy, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tháng 7/2020 tăng 10,2% so với tháng 6, lên 24,9 tỷ USD (tăng 8,2% so với cùng kỳ 2019), ghi nhận giá trị xuất khẩu theo tháng cao nhất kể từ tháng 9/2019. Lũy kế 7 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu tăng nhẹ 1,5% so với cùng kỳ 2019, lên 147,6 tỷ USD.
Đáng lưu ý, sự tăng trưởng tích cực được thúc đẩy bởi khối doanh nghiệp trong nước, với tổng giá trị xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm 2020 tăng 13,7% so với cùng kỳ (lên 52,2 tỷ USD), trong khi giá trị xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI giảm 4,2% so với cùng kỳ (xuống 95,4 tỷ USD).
Đầu tư ra nước ngoài tăng gần 16% trong 8 tháng đầu năm 2020
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng đầu năm 2020, cả nước có 86 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài với tổng số vốn đầu tư của phía Việt Nam là 218,4 triệu USD, có 25 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm đạt 111,8 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài gồm vốn cấp mới và tăng thêm trong 8 tháng đạt 330 triệu USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong số đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 225,7 triệu USD, chiếm 68,4% tổng vốn đầu tư; dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 39,6 triệu USD, chiếm 12%; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 19,6 triệu USD, chiếm 5,9%.
Trong 8 tháng có 24 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó: Đức là nước dẫn đầu với 92,6 triệu USD, chiếm 28%; Lào 86,7 triệu USD, chiếm 26,3%; Myanmar 44,6 triệu USD, chiếm 13,5%; Hoa Kỳ 40,8 triệu USD, chiếm 12,3%.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Tính đến ngày 20/8, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 19,54 tỷ USD, bằng 86,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Cụ thể, có 1.797 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giảm 25,3% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt 9,73 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ. Về vốn điều chỉnh, có 718 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm ngoái, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 4,87 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ.
Đối với góp vốn, mua cổ phần, có 4.804 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái, tổng giá trị vốn góp 4,93 tỷ USD, bằng 51,8% so với cùng kỳ.
Phạm Phù Cát -Theo TCV
Vụ pate Minh Chay gây ngộ độc: Cảnh báo khẩn cấp người tiêu dùng