-A lô… chị đến đâu rồi…?
-Đến đâu… là đâu…?
-Thì đến chỗ xe tập kết nè, tới giờ khởi hành rồi.
-À… à… chết cha, chị quên báo với em, chị không đi được, sư thầy không cho đi.
-Ủa, sao kỳ vậy chị, chị đăng ký hai chỗ mà… sao lại không cho đi ?
-À… tại ngày mai có khóa tu cuối của năm, nếu vắng mặt sư thầy sẽ không cấp giấy chứng nhận, như vậy sẽ phí công của chị tu suốt năm qua em ơi…
Tút… tút… tút…
-Bác tài, lên đường !
Chiếc xe giật lùi một chút rồi tiến lên phía trước. Mọi người trong xe nãy giờ im phăng phắc để nghe bà Trưởng đoàn hành trình từ thiện nói chuyện điện thoại. Đã trễ giờ khởi hành hơn 30 phút rồi còn gì, trễ kiểu này dễ bị kẹt cứng trên đoạn đường qua các khu công nghiệp ở Đồng Nai. Bà trưởng đoàn vừa tắt ngang điện thoại, ra lệnh cho tài xế lên đường là cả đám nhao nhao:
-Sao vậy, sao vậy…?
Bà trưởng đoàn:
-Bả đăng ký hai chỗ mà giờ lại bảo sư thầy không cho đi, lấy tiền đâu để bù vô hai chỗ trống đây. Đó, tự nhiên bả làm cho mình nổi máu sân lên rồi.
Chị Hai Mơn cất tiếng:
-Nổi máu sân chi cho mất phước Trưởng đoàn ơi.
Nhiều tiếng nói bàn tán xôn xao:
-Cái bà này lạ thiệt, tu thì phải phụng sự chúng sinh chứ, sao lại ưu tiên cho việc tụng kinh.
-Ừ, tu là việc tự thân tích hợp huệ phước, “ai ăn nấy no, ai tu nấy được”, sao lại phải cần giấy chứng nhận của chùa để làm gì ?
-Mà chùa nào kỳ vậy, sao lại có kiểu đẻ ra giấy chứng nhận này kia ?
…
#
# #
Cuối cùng thì xe cũng thoát khỏi các đoạn đường đông đúc. Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Chú Tư Thường lên trên đầu xe, cầm lấy chiếc micro:
-Thưa bà con đạo hữu, như vậy là hành trình của chúng ta chậm mất một giờ, cũng không đáng kể lắm, kính chúc toàn thể hành đoàn một chuyến từ thiện-hành hương an lạc và sức khỏe. Bây giờ là chương trình văn nghệ giúp vui, xin kính mời chị Năm Hương lên điều khiển chương trình.
Tiếng vỗ tay reo vang. Các ca sĩ nghiệp dư thay phiên nhau lên trình diễn giúp vui để hành trình bớt dài. Ngồi trên cùng một hàng ghế ở khu vực cuối xe, bà Tư Giáo quay sang cô bé ngồi bên cạnh:
-Lính mới phải hông. Mày tên gì ?
Cô bé đáp nhỏ nhẹ:
-Dạ, con tên Trong Xanh.
Bà Tư Giáo:
-Cái gì ?
-Dạ, Trong Xanh.
-Trong… Xanh… tên gì kỳ vậy !?
-Dạ, đâu có gì mà kỳ. Ba con nói lúc sinh con ra ô nhiễm dữ lắm, môi trường tự nhiên ô nhiễm, môi trường xã hội cũng ô nhiễm… nên đặt tên con dzậy để mong ước mọi thứ được trong xanh hơn.
Cái con nhỏ này, nó nói như thọc dao vào nách mình. Câu nói “môi trường xã hội ô nhiễm” làm Tư Giáo thấy nhột. Tư Giáo vốn có biệt danh là Tư Ma Giáo, là một tay cộm cán ở bến xe, một tay lừa lọc ma giáo có cỡ, một thành phần “ô nhiễm” cho xã hội như con bé nhắc đến. Giờ thì khác rồi, Tư Ma Giáo đã từng “xin tí huyết” vài đứa về cái tội quen mồm không chịu bỏ chữ Ma đi. Tư Ma Giáo hết thời, thất thế, quay đầu là bờ nên không còn ma nữa, giờ tích cực làm việc thiện để chuộc lỗi lầm xưa.
-Mày đi chùa nhiều chưa ?
-Dạ, con chưa đi lần nào.
-Vậy sao mày biết chuyến từ thiện này mà đi.
-Con xem trên Facebook đó, thấy thông tin về chuyến đi “Thương về miền Trung” này hay hay nên con đăng ký, hổng ngờ được cô Trưởng đoàn chấp thuận.
-Chưa đi chùa chắc mày chưa biết gì về Phật pháp hả ?
-Dạ, con chỉ đọc trên Facebook với G+ không hà.
-Ừ, có thắc mắc gì về Phật pháp thì cứ hỏi dì nghen.
Cô Tám An đang hát, đến quãng nghỉ giữa bài thì chú Tư Thường cầm chiếc nón lật ngửa trên tay:
-Xin bà con thương tình cho chúng tôi ít tiền lẻ….
Cô Tám An tắt micro, đùng đùng bỏ về. Chú Tư Thường ngỡ ngàng:
-Ủa, chị hát chưa hết bài mà….
Cô Tám An giận dữ:
-Tao không hát nữa. Sao tự nhiên mày biến tụi tao thành kiếp ăn xin vậy hả, tụi tao lên ca hát cho vui mà.
Chú Tư Thường:
-Nhưng tui có ép ai đâu. Ai tự nguyện thì cho thôi. Với lại tiền này dùng để làm từ thiện….
Cô Tám An nạt ngang:
-Từ thiện cái gì. Từ thiện là tự mình dâng tặng, chứ đâu phải ca hát để xin tiền. Như vậy là tạo nghiệp đó, là vận cái nghiệp ăn xin vào mình.
Nhiều tiếng nói lao xao theo:
-Đúng… đúng đó… kiểu này đừng có kêu tụi tao lên hát nữa nghen…
Bà Tư Giáo vội bước ra khỏi chỗ:
-Thôi được rồi. Không được đi xin kiểu đó nữa, cần gì thì cứ thông báo để mọi người giúp sức. Giờ tui xin được hát giúp vui, nhưng trước khi hát tui bán ớt sa tế đây, ai có nhu cầu thì mua nghen.
Một tiếng nói thắc mắc:
-Bà làm sa tế để lên xe bán à ?
Bà Tư Giáo:
-Hổng phải, tui làm để bán ở bến xe, bán hổng hết nên mang theo bán tiếp chớ để đến ngày về nó cũ quá, bán cho ai.
Bà Tư Giáo nói rồi đi từ dưới xe lên đầu xe, bán người này 2 hũ, người kia 1 hũ…. Con bé Trong Xanh cầm hũ sa tế, vừa móc tiền vừa thắc mắc:
-Con thấy trong siêu thị hũ chừng này chỉ có giá khoảng mười ngàn, sao của dì hổng có thương hiệu mà bán tới hai chục ngàn lận ?
Bà Tư Giáo trừng mắt:
-Mày vắt mũi chưa sạch mà cứ làm khôn không hà. Mày nói vậy hổng lẽ mấy người lớn tuổi nãy giờ mua là ngu hết sao. Phải hông mấy chị, mấy cô ?
Nhiều tiếng nói lao nhao:
-Ừ… ừ… đúng vậy… đúng vậy…
Trong Xanh hốt hoảng:
-À… à… con chỉ muốn hỏi để biết trong món sa tế của dì chắc có bí quyết, hay gia vị gì quý lắm nên mới mắc như vậy, chứ đâu có nói ai ngu. Nói dzậy phạm tội sao gỡ được. Con mua 5 hũ nè.
Trong Xanh nói xong vội đưa ngay tờ một trăm ngàn. Bà Tư Giáo cầm lấy tờ tiền, tỏ vẻ hài lòng:
-Ừ, có vậy chứ. Mày hỏi thì tao nói nè, bình thường tao bán tám ngàn một hũ, bữa nay tao mời mọi người ủng hộ, tiền đó tao làm từ thiện chứ có bỏ túi đâu mà thắc mắc. Còn nếu mày thắc mắc thì tao cho mày luôn nè, hổng thèm lấy đồng nào.
Bà Tư Giáo vừa nói vừa dứ dứ túi đựng sa tế đã vơi đi gần hết vào mặt Trong Xanh. Chung quanh, hàng chục tiếng thở ra. Khí sân, khí uất, hay do cái khí “nắng như rang, gió như phang” ở vùng đất nam trung bộ mà ai cũng cảm thấy ngột ngạt. Thấy tình hình căng thẳng, chú Tư Thường lên tiếng:
-Xong chưa. Còn bao nhiêu tui mua hết, rồi đem tặng bà con nghèo luôn. Hỉ xả, hỉ xả…. Mời chị Tư Giáo lên góp vui.
Như chiếc bong bóng căng phồng được cho xì hơi, mọi người vui vẻ trở lại, hay cố vui trở lại mỗi khi có người nhắc là họ đã vô tình quên hành đạo với những từ như: Sân, si, hỉ, xả…. Bà Tư Giáo hát bài “Một đời người, một rừng cây”. Mọi khi bài hát này được cất lên, là mọi người vỗ tay hát theo:
“Cây đã mọc từ thuở nào trên đồi núi thật cằn khô, cây có hiểu vì sao chim thường kéo về làm tổ…. Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai…”. Nhưng hôm nay mọi người lại nhìn lơ đãng ra bên ngoài, Ngoài trời nắng quá. Cây khô quắt queo. Đá chen lởm chởm. Mấy con dê đứng rải rác trên các triền núi nhặt nhạnh những mầm lá, nhẩn nha chọn lộc non, nhẩn nha cả ngày, cả đời không sân giận….
-Tui mắc đái quá.
Tiếng nói như rên của Tám Trống làm mọi người cười cái rần. Bà Tư Giáo sửng cồ:
-Ê, tao hát xong mày hổng vỗ tay, mà nói mắc đái là sao, kiếm chuyện hả mạy ?
Tư Trang nói chen vào:
-Xe chạy mới hơn có ba tiếng mà đái cái gì mạy, tài xế nó hổng cho đâu.
Tám Trống:
-Mấy mẹ thì mới lên xe, đái ỉa đầy đủ, còn mấy anh em tụi tui phải chất hàng cứu trợ từ khuya tới giờ, hơn sáu tiếng đồng hồ rồi có được đái ỉa miếng nào đâu.
Tư Giáo:
-Mày nói nhiều quá, chừng nào tài xế mắc đái thì mày mới được đái.
Tám Trống:
-Nhưng tui có đóng tiền mà, tui cũng có quyền chớ.
Tư Trang:
-Có ai hổng đóng tiền mà được đi cứu trợ đâu, nhưng lên xe rồi thì là quyền của tài xế, mày còn lạ gì nữa mà đòi chi cho mắc công.
Tám Trống làm động tác đưa tay vạch quần, rên rỉ:
-Tui đái tại chỗ à, chịu hết nổi rồi…!
Hai Mơn hét lớn:
-Ê, mày là Tám Trống, hổng phải Tám Mái nha, tụi tao cắt à.
Cả đám cười rần rần. Mặt Tám Trống nhăn nhó khổ sở….
#
# #
Tối nay đoàn nghỉ tại Huế, điểm dừng chân cuối cùng, được thư giãn tự do để tối mai dự lễ phóng sinh. Mọi người chia thành từng tốp đi dạo phố khuya. Bà Tư Giáo và Trong Xanh sau một hồi dạo mỏi chân, đói bụng đã ghé vào quán kiếm gì đó bỏ bụng. Ăn xong, bà Tư Giáo vừa lấy giấy chùi miệng, vừa nhìn len lén Trong Xanh:
-Mày trả tiền giùm tao được hông ?
Đang cạp cục giò heo to tràn miệng, Trong Xanh nhướn mắt nhìn lên, vừa chu mỏ vừa gật gật đầu. Bà Tư Giáo mừng rỡ:
-Ừ, tao cám ơn nghen, tiền tao để dành làm từ thiện.
Trong Xanh kéo cục giò ra khỏi miệng:
-Là sao dì ?
Bà Tư Giáo:
-Thì tao khỏi tốn tiền, tiền tao để dành làm từ thiện, tao thích làm từ thiện mà.
Cô gái gật gù:
-Dzậy cũng tốt hén.
Khi cả hai rời quán, bà Tư Giáo he hé cái túi cho Trong Xanh xem, cười hí hửng:
-Mày thấy tao hay hông ?
Trong Xanh ngơ ngác:
-Hay cái gì đâu ?
-Tao vừa lấy được cái hộp quẹt của bà bán hủ tíu đó, cái hộp quẹt để ở bàn thờ ông địa đó.
Trong Xanh đứng sững người lại:
-Dzậy là dì ăn cắp hả ?
Bà Tư Giáo ngúng nguẩy:
-Mày nói quá, cái hộp quẹt có mấy đồng bạc mà gọi là ăn cắp.
-Rẻ dzậy sao dì hổng mua ?
-Lửa thì phải chôm nó mới hên, cho nên tao mượn tạm của bà bán hủ tíu vậy mà. Nhưng nhìn mặt bà bán hủ tíu thấy ghét mày ơi, bán lề đường mà chém ba chục một tô, tao lấy cái hộp quẹt là đúng rồi.
Trong Xanh lững thững bước đi. Rõ ràng dì Tư Giáo là bậc thầy của nó trên con đường hành đạo, hàng chục năm đến chùa, cũng ngần ấy thời gian làm công việc từ thiện, mà sao hành động của dì có gì đó bất thường, không giống như những gì Trong Xanh đọc được trên Facebook hay những trang cộng đồng khác.
“Người học Phật không được chỉ trích người khác, vì đó chính là một nghiệp ác…”. Fanpace Phật pháp trên trang cộng đồng viết như vậy. Vậy thì Trong Xanh không có quyền chỉ trích dì Tư Giáo. Nhưng cũng có nghĩa dì Tư Giáo không được quyền chỉ trích bà bán hủ tíu, thích thì ăn, đâu có ai ép mà chỉ trích người ta. Sao hổng tính chuyện người ta phải ngồi phơi sương lạnh lẽo đêm này qua đêm khác để chực chờ. Đói lòng đã có cái để ăn ngay mà còn chê rẻ chê đắt.
Trong Xanh đang rối rắm với mớ suy nghĩ của mình thì nhìn thấy một tờ tiền ai đánh rơi. Nó gọi bà Tư Giáo:
-Dì Tư ơi, con lượm được tiền nè…
Trong Xanh cúi người xuống, đưa tay chực nắm lấy tờ tiền trên đường, bà Tư Giáo cuống cuồng nhào đến nắm khủy tay Trong Xanh giựt ngược lại:
-Mày khùng hả, lượm tiền là xui lắm đó.
Trong Xanh vẫn giữ nguyên thế ngồi, ngước mắt nhìn lên:
-Xui là sao hả dì ?
Bà Tư Giáo chưa chịu buông tay cô bé, tỏ ra lúng túng:
-Thì xui là xui chứ sao, mày đúng là hổng biết cái gì.
“Người học Phật không được mê tín, mà phải chánh tín” -Một câu khác trên fanpage. Rõ ràng về mặt duy vật thì lượm tiền rơi trên đường chỉ có lợi. Thứ nhất là nếu trả lại được cho người làm mất thì quá tốt. Không thì có thể giúp một người nào đó đang cần bữa cơm, bát cháo. Tệ nhất là người lượm được sử dụng cho nhu cầu của họ, nhưng như vậy cũng tốt hơn là để bị hủy hoại. Cứu một tài sản có nguy cơ bị hủy hoại thì sao lại có thể rước xui xẻo đến cho mình ?
Bà Tư Giáo lôi tay Trong Xanh đi, cô bé bước thụt lùi, mắt nhìn theo tờ tiền, đầu óc rối rắm dằn vặt như vừa chứng kiến một việc trái tai gai mắt nhưng lại làm ngơ. Điện thoại của bà Tư Giáo đổ chuông, sau khi đọc tin nhắn, bà quay sang Trong Xanh:
-Nè, mày cho tao mượn điện thoại cái coi, điện thoại tao hết tiền rồi.
-Hồi nãy con nạp tiền, dì đi cùng con sao dì hổng nạp tiền luôn ?
-Tao để dành tiền làm từ thiện. Điện thoại tao cũng thuộc loại cùi bắp nè, tao đâu có tiền mua điện thoại đẹp như mày đâu.
-Sao kỳ dzậy ta ?
-Là sao…?
-Con nghĩ là từ thiện thì phải từ thiện với mình trước chứ, mình phải sống thoải mái mới lo cho người khác được chứ. Mình chưa lo được cho mình, bản thân mình còn thấy thiếu thốn khổ sở thì sao lo cho người khác được chứ.
-Mày chứ nhiều quá đó, chỉ biết một mà hổng biết mười. Mày có nghe người ta nói câu “tri túc…” gì gì đó hông, đại ý là mày biết đủ thì là đủ.
Trong Xanh:
-Nhưng dì phải mượn điện thoại của con để dùng có nghĩa là dì chưa đủ, dì kêu con trả tiền phần ăn là dì chưa đủ….
Bà Tư Giáo trợn mắt lên:
-Mày nhiều chuyện quá, có cho tao mượn hay không thì bảo.
-Dễ thôi mà dì. Con chỉ đang muốn tìm hiểu triết lý bên trong của việc từ thiện thôi. Sao dì lại muốn nổi xung lên vậy, cái mà mấy dì hay nói là nổi máu sân đó.
Bà Tư Giáo giơ hai tay lên trời:
-Trời ơi! Mày muốn làm cho tao mất phước phải hông. Cú điện thoại có mấy đồng bạc mà mày làm gì ghê vậy. Thôi, tao hổng thèm mượn nữa.
Bà Tư Giáo quầy quả bỏ đi te te, như sợ cái thứ máu sân trong người nó nổi lên. Hay cái thứ máu sân nó trỗi dậy nên đẩy đôi chân của bà đi mà như chạy. Hay bà phải chạy trốn một thứ sự thật nào đó, thứ sự thật kỳ dị mà một đứa trẻ ranh chưa hiểu chuyện đời, chuyện đạo cứ vặt bà, rồi đem mấy cái thứ Google, Facebook… ra để tranh cãi.
Ngẫm thấy cũng lạ. Tư Giáo đi chùa cả chục năm. Dường như hầu hết đến đó dòm ngó sao mẹ này mụ kia làm công quả mà cứ làm trây trây, bà nọ cúng có chút xíu mà cứ nhắc đi nhắc lại hoài, bà Việt kiều ỷ nhiều tiền sao đó mà cứ ngồi nói chuyện với sư phụ, hổng xuống bếp phụ việc…. Mười năm trời lê chân ở cả trăm cái chùa mà Tư Giáo chưa hề đọc được mấy cái câu trên cái điện thoại của đứa nít ranh này, giờ đọc lên cứ thấy ghê ghê người !
#
# #
Tối nay mọi người tề chỉnh để dự lễ phóng sinh. Ai cũng được tắm táp sau một hành trình thần tốc. Người ngợm sạch sẽ, thơm tho. Quần áo đẹp đẽ, bên ngoài khoác chiếc áo lam. Mọi người bước xuống thuyền trên sông Hương thì thấy đã có hàng chục chiếc thau to chứa đặc nghẹt cá, nhiều con ngễnh bụng trắng ởn. Cô bé Trong Xanh vỗ tay thích thú:
-Cá cũng bơi ngữa nữa chứ.
-Bơi ngữa cái gì, nó ngộp quá đó.
Trong Xanh quay lên nhìn thì thấy Hải Cảng đứng sau lưng:
-Ngộp là sao, anh ?
Hải Cảng:
-Thì trong thau này chật quá đó, hổng đủ oxy nên con nào yếu thì bị ngộp thôi.
Trong Xanh:
-Dzậy sao mình hổng thả nó ra đi anh.
Vừa nói, Trong Xanh vừa đưa tạy vào thau vớt mấy con cá lật ngữa bỏ xuống sông. Hải Cảng đập vào tay nó một phát đau điếng:
-Ai cho mà mày thả. Chưa cúng xong mà mày dám thả hả.
Trong Xanh:
-Dzậy chừng nào mới cúng xong.
Hải Cảng:
-Mày hỏi tao, tao biết hỏi ai. Thầy còn chưa đến, chưa cúng thì sao biết khi nào xong.
Trong Xanh:
-Lỡ tụi cá nó chờ không nổi, nó chết thì sao ?
Hải Cảng:
-Thì phần số nó vậy.
Trong Xanh:
-Sao lại là số phần của nó. Nếu bây giờ mình thả ra thì nó đâu có chết, nó chết là do mình thả chậm chứ.
Hải Cảng:
-Nhưng nếu thả bây giờ thì đâu có ai chứng, làm sao đạt được mục tiêu của mình.
Trong Xanh:
-Mục tiêu ?
Hải Cảng:
-Phải chờ thầy đến, thầy dâng lễ rồi mời thần linh đến để chứng giám cho mình là đã phóng sinh, như vậy mình mới được phước. Trước khi thả, mày phải niệm thần chú, học theo tao cho thuộc nè: “Con tên… tuổi… lâu nay con u mê nên làm hại đến chúng sinh, hôm nay con phóng sinh để bù lại, con cầu mong cho những sinh linh đã bị con làm hại được về với cõi Phật để sớm chiều được nghe kinh kệ”. Đọc xong, mày thả cá xuống sông.
Trong Xanh:
-Thả luôn cả cá chết ?
Hải Cảng:
-Chứ mày giữ lại đem vô kho ăn à.
Trong Xanh:
-Ý em nói là, thả con cá chết thì đâu gọi là phóng sinh, phải gọi là phóng… tử mới đúng chớ.
Hải Cảng như mất hết kiên nhẫn trước sự ngu lâu của Trong Xanh, trừng mắt:
-Mày không nghe lời tao thì mất phước ráng chịu, số tiền mày góp mua cá phóng sinh coi như đổ sông đổ biển.
Hải vốn là tay anh chị ở cảng Sài Gòn, thành tích lừng lẫy nên chữ Cảng được gắn luôn cho đại ca. Mỗi lần mắt của Hải Cảng trừng lên là những người chung quanh đái ra quần. Vậy mà con bé Trong Xanh này cứ coi như không, nói ra cái gì cũng cãi lại. Vừa thả cá xuống sông, Trong Xanh vừa nghĩ lung nên quên lời dặn của Hải Cảng là phải niệm thần chú. Rõ ràng trên fanpage ghi: “Phải chánh tín, không được tà tín”, nhưng sao những chỉ dẫn của Hải Cảng có vẻ tà đạo sao đó, phóng sinh nhưng con vật được phóng sinh hay tử không hề quan trọng.
Việc phóng sinh hoàn tất, mọi người trở lại khu vực điện thờ, bắt đầu xếp đặt vật phẩm lên bàn thờ Phật và bàn thiên. Cầm trên tay hai chiếc phiếu có tiêu đề “Cầu siêu” và “Cầu an” vừa được phát, Trong Xanh buộc miệng hỏi:
-Cầu siêu, cầu an là sao dzậy dì ?
Bà Tư Giáo ngồi kế bên đang tất bật sắp xếp mâm ngũ quả, quay qua nói:
-Cầu an là cầu xin cho bản thân, gia đình và người thân của mình được an ngoại thân và lạc nội tâm. Còn cầu siêu là cầu cho linh hồn những người thân đã mất của mình được siêu thoát, không bị vất vưởng hay đày đọa nữa.
-Dzậy là con sẽ ghi tên ông bà nội của con vào tờ cầu siêu. Ủa, nhưng ông bà nội của con khi còn sống rất là hiền từ, bà con hàng xóm ai có việc gì thì ông bà nội đều giúp đỡ hết, lỡ ông bà nội con đã thành thần thánh rồi mà ghi dzô phiếu cầu siêu như dzậy thì có bị sao không ?
Tư Giáo ngắc ngứ:
-Thì…. Nè, mày để bình bông bên trái là sai rồi, bỏ qua bên phải mới đúng… ừ… . Sao mày quay đít con heo vô mặt tao, mày phải quay cái đầu nó ra chớ. Đúng là hổng biết cái gì hết trơn !
Tư Trang đang xếp đèn giấy, quay lại nói:
-Ủa, quay đầu ra ngoài thì lại quay đít vô mặt đấng khuất mặt à ?
Tám An nói chen vào:
-Vậy thôi quay ngang đi.
Tư Giáo xởi lởi:
-Ừ, quay ngang cũng được. Nè, tao hạp hướng nam, mày quay đít về hướng nam thì đem xui xẻo đến cho tao hả. Quay lại, quay lại.
Chú Tư Thường đang pha ấm trà, vội ngừng tay:
-Bà nói vậy sao được. Tui hạp hướng bắc nè, bà biểu nó quay đít lại vậy thì tui bị xui à.
Nghe ồn ào, cả đám bỏ dở công việc đang làm để tập trung về nơi đặt bàn thiên, chia thành hai phe giành nhau cái đầu và tránh cái đít con heo. Riêng Trong Xanh thì vốn chưa kịp biết mình hợp hướng nào, nên ai kêu đâu thì xoay theo đó, vì thế mà con heo cứ xoay vòng vòng trên bàn thờ, mang theo vận hạn hên-xui của những người nơi đây ứng với đầu và đít.
Không biết con heo này vướng nghiệp gì mà đến chết vẫn chưa được an thân. Còn những người bu quanh con heo thì chia làm hai phe, tâm phân về hai hướng. Ai đi đúng ? Còn ai đi lạc ?
Bên trong sảnh chính, trên bàn thờ Phật, nhang đèn vẫn chưa được thắp sáng.
Phạm Phước Vinh
7-2014