Về trang chủ Tài chính Vốn dư thừa, ngân hàng có hạ lãi suất cho vay?

Vốn dư thừa, ngân hàng có hạ lãi suất cho vay?

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), huy động vốn trong hệ thống ngân hàng tăng nhanh hơn so với cho vay. Tính từ đầu năm đến trung tuần tháng 5, số tiền huy động bình quân đạt hơn 1.160 tỷ đồng/ngày, trong khi cho vay chỉ đạt khoảng 773 tỷ đồng/ngày. Nguồn vốn dư thừa, có thể kỳ vọng lãi vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới?

Tăng trưởng tín dụng âm
Thống kê báo cáo tài chính quý I/2020 của các ngân hàng cho thấy, tăng trưởng tín dụng  thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm trước, một số ngân hàng có tăng trưởng tín dụng âm như Eximbank (-3,8%), Saigonbank (-2,3%), VietinBank (-1,25%), BIDV (-1%).

Kể từ khi thiết lập trạng thái bình thường mới trong toàn xã hội, ngành ngân hàng liên tục tung ra các chương trình hỗ trợ khách hàng như: Giảm lãi vay, cơ cấu nợ, gia hạn nợ… tuy nhiên tăng trưởng tín dụng không đạt như kỳ vọng. Ông Nguyễn Quốc Hùng -Vụ trưởng Vụ Tín dụng-NHNN, cho biết: Tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng tính hết tuần đầu tiên của tháng 6 giảm còn 1,93%, trong khi cuối tháng 5 tăng lên được 1,96%.

Các ngân hàng chỉ giảm lãi suất huy động ngắn hạn, lãi suất huy động dài hạn vẫn neo ở mức cao nên doanh nghiệp khó có cơ hội vay với lãi suất thấp.

Bà Nguyễn Thị Hồng -Phó thống đốc NHNN, chia sẻ: Qua khảo sát tại các địa phương cho thấy, có địa phương huy động được nguồn vốn lớn nhưng cho vay không nhiều và ngược lại ở các địa phương khác. Do đó, sắp tới NHNN sẽ tính tới việc điều chuyển vốn giữa các tỉnh thành.

Khảo sát biểu lãi suất huy động của một loạt các ngân hàng ghi nhận: Vào đầu tháng 6/2020 đã giảm từ 0,05-0,5 điểm %. Trong đó, nhóm 4 ngân hàng lớn là Agribank, Vietinbank, BIDV và Vietcombank đã hạ lãi suất cho vay từ 0,1-0,45 điểm %/năm. Hiện lãi suất các kỳ hạn từ 6-36 tháng của nhóm này chỉ còn từ 4,9%-6,5%/năm.

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất giao dịch giữa các ngân hàng thương mại đã tiến sát mức 0%, mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Chẳng hạn, lãi suất giao dịch bình quân liên ngân hàng ngày 12/6 kỳ hạn qua đêm còn 0,16%/năm, 1 tuần còn 0,26%/năm, 2 tuần còn 0,39%/năm, 1 tháng còn 0,76%/năm, 3 tháng còn 2,47%/năm, 6 tháng còn 3,24%/năm.

Về điều hành lãi suất, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết: NHNN đã chỉ đạo và bám sát quá trình thực hiện của các tổ chức tín dụng trong việc cắt giảm chi phí để giảm lãi suất cho doanh nghiệp. Dựa trên diễn biến lạm phát từ đầu năm đến nay, dự báo của các cơ quan và tổ chức trong nước ở mức khoảng 3,5%, NHNN sẽ điều hành chính sách lãi suất phù hợp trong những tháng còn lại của năm theo diễn biến lạm phát.

Vốn rẻ -Mơ về nơi xa lắm
Lãnh đạo một doanh nghiệp chia sẻ, ngân hàng mong muốn tìm được khách hàng để cho vay, ngược lại doanh nghiệp cũng đang rất cần vốn để khởi động sản xuất kinh doanh hậu dịch Covid-19, nhưng lãi suất cao trong bối cảnh hiện nay chẳng ai muốn vay. Các ngân hàng lớn như Agribank, Vietinbank, BIDV và Vietcombank luôn có lãi suất cho vay thấp nhất trên thị trường nhưng việc tiếp cận nguồn vốn rẻ không hề dễ dàng.

Theo các danh nghiệp, các ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp phải có lịch sử tín dụng tốt, có dự án tốt, có tài sản đảm bảo, là khách hàng lâu năm. Điều này là vô cùng khó khăn đối với doanh nghiệp, bởi họ vừa bước ra từ cuộc đại dịch và chưa thể hoạt động bình thường trở lại.

Thực tế cho thấy, sau Quyết định điều chỉnh lãi suất điều hành của NHNN, các ngân hàng chỉ giảm lãi suất huy động ngắn hạn, lãi suất huy động dài hạn vẫn neo ở mức cao nên doanh nghiệp khó có cơ hội vay với lãi suất thấp. Nhiều ngân hàng đã thay biểu lãi suất huy động mới, trong đó chủ yếu điều chỉnh giảm lãi suất huy động dưới 6 tháng.

Tại Vietcombank, lãi suất kỳ hạn 7 ngày và 14 ngày đã về mức 0,5%/năm, kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng vẫn duy trì ở mức thấp hơn trần là 4,3%/năm, kỳ hạn 3 tháng giảm từ 4,8%/năm xuống 4,7%/năm…. Lãi suất huy động cao nhất của ngân hàng này vẫn ổn định ở mức 6,8%/năm dành cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Tại VietinBank, lãi suất huy động kỳ hạn 3 đến dưới 6 tháng giảm nhẹ 0,05%/năm so với tuần đầu tháng 3, xuống còn 4,75%/năm, lãi suất kỳ hạn 1 tháng đến 3 tháng ở mức 4,3%/năm.

Về cho vay, TPBank áp dụng lãi suất ưu đãi cho vay mua nhà trong 3 tháng đầu thấp nhất, ở mức 5%/năm, chỉ cao hơn 0,75 điểm % so với trần lãi suất tiền gửi tiết kiệm cùng kỳ hạn. Tuy nhiên, thời gian vay vốn tối thiểu là 24 tháng và sau 3 tháng ưu đãi, lãi suất sẽ được tính bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng cộng 1,5% từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 12, và cộng 3,7% từ tháng thứ 13 trở đi.

Một ngân hàng khác cũng có lãi suất khá hấp dẫn ở các kỳ ưu đãi ngắn hạn là SHB với dải lãi suất trong khoảng 7,5 – 10,2%/năm. Nếu mua kèm gói bảo hiểm của đối tác SHB, lãi suất 12 tháng đầu chỉ từ 9,8 – 10%/năm, cùng với một số ưu đãi khác về phí bảo hiểm.

Theo chuyên gia ngân hàng Cấn Văn Lực, việc NHNN hạ lãi suất sẽ không hỗ trợ nhiều cho nền kinh tế, do trong bối cảnh chịu cú sốc ngắn hạn hiện nay. Mặt khác, dư địa giảm lãi suất cũng không nhiều, sức hấp thụ vốn vẫn thấp. Điều mà người dân và doanh nghiệp cần chính là dòng tiền, thanh khoản hỗ trợ tức thì, trong khi việc giảm lãi suất có độ trễ nhất định.

Các chuyên gia cũng cho rằng, giải pháp quan trọng hàng đầu hiện nay là phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả và ưu tiên sử dụng các chính sách tài khóa hơn là chính sách tiền tệ do hiệu quả tức thì, ít độ trễ hơn chính sách tiền tệ. Đồng thời, phải kết hợp hài hòa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa thì hiệu quả hỗ trợ mới tốt hơn.
Phm Phù Cát -Theo TCV

Doanh nghiệp khó khăn-Ngân hàng điêu đứng: Làm sao phá vỡ thế bế tắc?

Truyện ngắn: Lạc

Có thể bạn quan tâm