Về trang chủ Kinh doanh Thương trường Xuất siêu gần 12 tỷ trong 8 tháng đầu năm: Xu hướng phát triển bền vững?

Xuất siêu gần 12 tỷ trong 8 tháng đầu năm: Xu hướng phát triển bền vững?

Theo Tổng cục Thống kê, 8 tháng đầu năm 2020, ước tính xuất siêu 11,9 tỷ USD, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 23,1 tỷ USD, trong khi khu vực kinh tế trong nước lại nhập siêu 11,2 tỷ USD. Liệu đây có phải là xu thế phát triển bền vững?

Điểm sáng nông sản
Một số chuyên gia cho rằng, xuất siêu đạt kết quả tốt trong 8 tháng đầu năm 2020 một phần là do xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như mặt hàng gạo, rau quả…. của Việt Nam tăng trưởng khá. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, 8 tháng năm 2020, ngành nông nghiệp xuất siêu khoảng 6,2 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Cụ thể, tháng 8, kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản ước đạt 3,6 tỷ USD, tăng 3,5% so với tháng 7/2020. Trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt khoảng 1,6 tỷ USD (tăng 7,8%), lâm sản chính trên 1,2 tỷ USD (tăng 1,0%), thủy sản đạt 800 triệu USD (tăng 0,5%) và chăn nuôi đạt 31 triệu USD (giảm 18,4%)…

Đa phần các doanh nghiệp dệt may đang trong tình cảnh ăn đong đơn hàng, chỉ duy trì hoạt động để giữ chân công nhân. (Ảnh minh họa)

Tính chung 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản ước đạt 26,15 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nhóm nông sản chính ước đạt gần 12 tỷ USD, giảm 3,2%; chăn nuôi ước đạt 250 triệu USD, giảm 25,0%; thủy sản ước đạt 5,2 tỷ USD, giảm 5,3%; lâm sản chính đạt trên 7,8 tỷ USD, tăng 10,3%;

Về nhập khẩu, tính chung 8 tháng, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông-lâm-thủy sản ước khoảng 19,9 tỷ USD, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông-lâm-thủy sản chính ước đạt 16 tỷ USD, giảm 5,2%.

Gam màu buồn dệt may
Chia sẻ với báo chí, ông Phạm Xuân Hồng -Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP.HCM, cho biết ngành này đang chịu ảnh hưởng khá nặng nề bởi dịch COVID-19, đến nay tăng trưởng xuất khẩu của các thành viên trong Hội giảm từ 20-25% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo các chuyên gia, đa phần các doanh nghiệp dệt may vẫn chưa thể tận dụng được cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) vừa có hiệu lực từ ngày 1/8. Nguyên nhân một phần vì tình hình thị trường châu Âu đang gặp khó khăn nên nhu cầu nhập khẩu hạn chế, đối tác hủy/giãn đơn hàng; một phần là các doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được quy tắc xuất khẩu.

Ông Lê Tiến Trường -Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn dệt may Việt Nam, cho biết: 6 tháng đầu năm chưa phải là thời điểm khó khăn nhất, do kinh tế vẫn còn được thông thương và số ca nhiễm bệnh chưa tăng cao. Tuy nhiên, so với thời điểm hiện tại, khi mà thế giới đang bước vào thời kỳ để cố gắng kiểm soát dịch bệnh, việc làm chưa tạo lập lại và nhu cầu tiêu dùng giảm, thì quý 3-4 của năm 2020 mới thật sự là thử thách đối với ngành dệt may.

Đánh giá về triển vọng 4 tháng cuối năm 2020, Ô.Hồng thông tin cụ thể: Đến nay, đa phần các doanh nghiệp vẫn đang trong tình cảnh ăn đong đơn hàng. Doanh nghiệp duy trì hoạt động để giữ chân công nhân, chờ đến khi tình hình dịch bệnh được khống chế, thị trường hồi phục để tính tiếp.

Dầu thô tăng lượng, giảm giá trị
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản trong 8 tháng giảm tới 34,5%, ước đạt 2,013 tỷ USD. Trong nhóm hàng này, dầu thô là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất với 3,35 triệu tấn, trị giá 1,109 tỷ USD, tăng 22,4% về lượng nhưng giảm 21,2% về trị giá do giá giảm.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa tổng kết tình hình kinh doanh tháng 8/2020 với doanh thu 41.613 tỷ, tương ứng lợi nhuận sau thuế hợp nhất gần 1.368 tỷ đồng. Luỹ kế 8 tháng, Tập đoàn đạt hơn 372.308 tỷ doanh thu, theo đó thu về lợi nhuận khoảng 11.369 tỷ đồng.

8 tháng đầu năm PVN khai thác được 7,76 triệu tấn quy dầu các loại. Sản xuất đạm ghi nhận gần 1,2 triệu tấn. Sản xuất điện ở mức 14,03 tỷ kWh. Sản xuất xăng dầu đạt hơn 8,2 triệu tấn. Giá dầu thô xuất bán của PVN trung bình tháng 8 đạt 47,5 USD/thùng, dù tăng khoảng 2,3 USD/thùng so với giá tháng trước, nhưng vẫn thấp hơn so với giá kế hoạch năm 2020 là 60 USD/thùng.

Theo dự báo của Moody’s, giá dầu trung hạn ở mức 45-65 USD/thùng với điều kiện các quốc gia thành viên OPEC+ tiếp tục thực hiện nghiêm túc cam kết cắt giảm sản lượng trong vòng ít nhất 2 năm, nhu cầu tiêu thụ năng lượng sẽ tăng dần theo nhịp phục hồi kinh tế toàn cầu (phụ thuộc nhiều vào diễn biến dịch bệnh COVID-19). Moody’s cảnh báo tình trạng tăng nguồn cung một khi giá dầu thế giới vượt mốc 50 USD/thùng; tuy nhiên, nếu xuất hiện vắc xin hiệu quả dẫn đến phục hồi kinh tế nhanh chóng, giá dầu trong thời gian ngắn có thể vượt lên trên mốc 65 USD/thùng.

Thị trường toàn cầu chưa vững, Việt Nam xuất siêu có bền?
Trao đổi với báo chí về kỷ lục xuất siêu của Việt Nam giữa bối cảnh cả thế giới ngập chìm trong khó khăn bởi đại dịch, PGS.Phạm Tất Thắng -Nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương), đánh giá: Đối với nhiều người, nó là niềm vui lớn vì Việt Nam vốn là nước nhập siêu giờ trở thành xuất siêu. Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ chuyên môn, đó là con số chứa đựng sự lo lắng không nhỏ trong thời gian tới.

Bởi xuất siêu một phần là do chúng ta không nhập được nguyên liệu sản xuất, nhiều ngành như dệt may, da giày, điện tử… hiện vẫn phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu nhập khẩu. Không nhập được hàng có nhiều lý do, trong đó phần lớn là do nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đang rơi vào tình cảnh không có đơn hàng. Điều này phản ánh sản xuất công nghiệp đang hết sức khó khăn, máy móc không chạy hết công suất, nợ nần, thậm chí là phá sản.

Theo các chuyên gia, việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA… bên cạnh kỳ vọng xuất khẩu, chúng ta còn mong muốn có thể nhập khẩu thêm nhiều loại công nghệ, máy móc, thiết bị hiện đại từ các nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, nếu nhập khẩu giảm mạnh như vậy, phải chăng chúng ta vẫn chưa khai thác được cơ hội này để nâng chất sản xuất?

Báo cáo mới nhất của IHS Markit cũng cho thấy, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 8 của Việt Nam chỉ đạt mức 45,7 điểm, giảm 1,9 điểm so với tháng 7. Đây là lần giảm thứ hai liên tiếp, sau lần tăng trở lại trong tháng 6. Trong thời gian qua, số lượng đơn hàng mới và sản lượng đều giảm vì sức cầu yếu. Hoạt động sản xuất gia công có tốc độ giảm nhanh nhất và các đơn hàng xuất khẩu mới giảm mạnh nhất. Đồng thời, số lượng đơn đặt hàng mới tăng trưởng âm khiến tỷ lệ sử dụng lao động bị thu hẹp.

Báo cáo của IHS Markit cũng chỉ ra hàng tồn kho có xu hướng tăng trong tháng 8/2020. Giá nguyên liệu đầu vào của hoạt động sản xuất tăng cao phần lớn do đứt gãy chuỗi cung ứng dẫn đến tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu. Đó là chỉ báo cho thấy tăng trưởng sản xuất công nghiệp cũng như xuất khẩu sẽ tiếp tục chậm lại trong những tháng tới, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Phạm Phù Cát -Theo TCV

Tài chính số: Cơ hội vượt qua đại dịch và hội nhập quốc tế

Bất động sản công nghiệp trước làn sóng dịch chuyển FDI: Tổ nhỏ, xây chậm… ôm giấc mộng lớn

Có thể bạn quan tâm